Toan tính mới của taxi truyền thống sau thương vụ Grab mua Uber
Các hãng taxi truyền thống toan tính gì sau thương vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á? |
Taxi truyền thống "sợ" Sotfbank
Ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc bày tỏ lo ngại, nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ, gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi nhưng nay hai công ty cực mạnh này kết hợp lại thì dự kiến sẽ còn khó khăn hơn. Bởi ông chủ thực sự của Uber tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là Softbank - nhà đầu tư rất mạnh.
Mai Linh là 1 trong 7 hãng taxi được Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Phi thừa nhận không thể địch lại được vì Uber, Grab khuyến mại kinh khủng. Chẳng hạn đi liên tục trong 5 cuốc thì được giảm giá, thậm chí miễn phí chuyến đi. "Cách khuyến mại như vậy chúng tôi không thể chạy theo. Chúng tôi thua ở năng lực tài chính", Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc nói.
Lý giải lý do vì sao các hãng taxi truyền thống thua Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX Giao thông Vận tải Toàn Cầu cho rằng: "Hiện nay các hãng taxi truyền thống phải đầu tư rất nhiều tài sản, trong khi Grab thì không. Làm một phép tính đơn giản, mỗi tài khoản Grab một ngày chạy xe đều phải nộp phần trăm (tối đa 28% doanh thu về cho hãng) và với hơn 50 nghìn tài khoản, có thể thấy lượng tiền ròng đổ về sẽ vô cùng lớn, Grab tha hồ dùng để khuyến mại giá".
"Hầu hết các hãng taxi truyền thống phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để xây dựng nhiều app, nhưng nếu không xã hội hoá, không có sự hỗ trợ của nhà nước, sẽ rất khó thay đổi và cạnh tranh sòng phẳng được với Grab", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chỉ ra rằng, Grab và Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng để thu hút người tiêu dùng kèm theo đó là các chương trình khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được bởi phải nộp thuế cao hơn nhiều.
Các hãng taxi truyền thống tính toán để "đấu lại" Grab trong trận đồ mới. |
Taxi truyền thống phải tự đào thải cũ kỹ, lạc hậu
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại cho rằng, hiện không chỉ doanh nghiệp taxi truyền thống khó khăn mà cả Uber và Grab đều khó khăn, không phải họ tính toán thôn tính thị trường hay nhiều vấn đề khác, mà nội bộ Uber, Grab đang phải đối mặt với bắt buộc phải đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu pháp lý trong khu vực của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trong khu vực và trên thế giới đang nỗ lực quản lý làm sao để việc triển khai phát triển ứng dụng quản lý công nghệ thông tin đi kèm với kinh doanh vận tải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự…
Với góc độ thị trường, ứng dụng công nghệ chỉ là cái để người ta tiếp cận thị trường đơn giản, nhanh chóng hơn. Nhưng phải xem vì sao Grab và Uber nhanh chóng thống lĩnh được thị trường như thế? Sau nhiều năm phát triển thị trường taxi của chúng ta hiện có hơn trên 50 nghìn xe taxi trong cả nước, nhưng chỉ trong 3 - 4 năm, Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, dù chính tắc hay không chính tắc, đã lên tới con số hơn 60 nghìn xe, bằng cả quá trình chúng ta tích luỹ phát triển hệ thống taxi của chúng ta trong nhiều năm. Uber hay Grab được người dân đón nhận ngay lập tức, nguồn nhân lực cũng được huy động rất nhanh chóng.
Trước đây, nhiều người hay nói Grab, Uber là kinh tế chia sẻ nhưng ở Việt Nam, Grab, Uber chủ yếu là đầu tư mới, phần lớn chủ xe đầu tư phương tiện để phát triển kinh doanh vận tải.
"Với góc độ là người tiêu dùng, tôi đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả. Grab và Uber đang chấp nhận thua lỗ để tích luỹ thị trường. Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm.
Ngoài ra, Uber hay Grab xe đến rất nhanh, thường xuyên có xe ngay, đáp ứng ngay khi khách có nhu cầu. Như tôi trước đây tôi "trung thành" với taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần xe không đến kịp, tôi bị muộn họp. Trong khi đó, nếu gọi Grab hay Uber thì họ có xe ngay.
Chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu vì sao khách hàng thích Grab hay Uber. Tôi mong muốn các doanh nghiệp vận tải phải nhìn lại bản chất, phải thay đổi chất lượng dịch vụ chứ không phải chỉ thay đổi công nghệ. Mỗi giai đoạn người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn, chúng ta phải tự đào thải những gì chưa phù hợp, lạc hậu chứ không chờ người khác đào thải mình", bà Hiền nói.
Về tìm đường đi mới, ông Nguyễn Công Hùng cho biết đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng của Hiệp hội Taxi Hà Nội và đang đặt công ty phần mềm thiết kế.
Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm, có thể lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn. Thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là áp dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng việc Uber và Grab sáp nhập này tạo cảm hứng lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam, bằng chứng là có doanh nghiệp đầu tư tới 100 triệu USD.
"Rõ ràng xu thế tích tụ, dựa lại vào nhau là chủ đạo. Đôi khi từ ứng dụng này lại khiến cho quá trình sáp nhập các doanh nghiệp taxi trở lên mạnh mẽ hơn. 77 hội viên của Taxi Hà Nội có thể sẽ chỉ còn 7 hội viên sau sáp nhập. Đây là cơ hội và không có cơ hội nào lại không có thách thức", ông Hùng nói.