Thương chiến khiến các ngân hàng thận trọng hỗ trợ tài chính cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, cơ hội nào cho Việt Nam?
Ảnh: Reuters
Ngân hàng cho vay thận trọng trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Theo Reuters, Sáng kiến BRI bao gồm các dự án giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại hơn 70 quốc gia.
Mặc dù các ngân hàng cho vay Trung Quốc là bộ phận ủng hộ lớn nhất cho "dự án thế kỉ" của Chủ tịch Tập Cận Bình, một số trong nhóm này đang ngày càng thận trọng với các thỏa thuận BRI có khả năng rơi vào vòng xoáy thuế quan hoặc biện pháp kìm hãm khác từ Mỹ.
Các ngân hàng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng tín dụng suy giảm tại những doanh nghiệp Trung Quốc tài trợ cho loạt dự án BRI hoặc đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi đang xem xét từ chối tài trợ một số dự án Vành đai và Con đường sau khi phân tích ảnh hưởng tiềm tàng mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra đối với nhà tài trợ", một nhân viên ngân hàng cao cấp làm việc tại Bắc Kinh cho hay.
Cơ hội cho Việt Nam, Đài Loan, Bangladesh và các quốc gia thuộc Sáng kiến BRI vẫn còn
Bất chấp tình hình bất ổn, các ngân hàng cho vay vẫn nhận thấy cơ hội trong một số ngành công nghiệp hoặc quốc gia (hoặc lãnh thổ) nhất định, gồm Việt Nam, Đài Loan, Bangladesh và Hàn Quốc.
"Chúng tôi vẫn ủng hộ các dự án không gặp phải những rủi ro này, đặc biệt là ở một số quốc gia có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác", người này nói.
Theo nghiên cứu công bố vào ngày 5/6 bởi ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, các quốc gia Đông Nam Á có thể là một trong những đối tượng nhận về nhiều cơ hội thương mại và đầu tư khi Mỹ - Trung chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ các nước này.
Cho đến nay, Việt Nam được xem là quốc gia hưởng lợi lớn nhất, với việc xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 7,9%. Đài Loan, Chile, Malaysia và Argentina cũng là các quốc gia và khu vực hưởng lợi lớn khác.
Dự án hợp tác tư nhân - nhà nước đầu tiên của Trung Quốc ở Argentina
Khoản tài trợ gần đây nhất liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường là khoản vay 1,065 tỉ USD trong 14,5 năm của China Construction America (CCA), chi nhánh Mỹ của công ty xây dựng nhà nước China State Construction Engineering.
Thỏa thuận này được kí kết vào đầu tháng 6 và sử dụng vào việc xây dựng dự án đường cao tốc dài 538 km ở Argentina.
Đây là dự án hợp tác tư nhân - nhà nước đầu tiên của CCA và cũng là hợp đồng đầu tiên của một công ty xây dựng Trung Quốc ở Argentina.
Vì từng tạm dừng ngay trước thềm khởi công chính thức công trình, hợp đồng lần này còn cam kết tăng cường hợp tác Trung Quốc - Argentina trong khuôn khổ Sáng kiến BRI.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, các khoản đầu tư phi tài chính từ Trung Quốc đến 51 quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đã giảm 5,1% trong 5 tháng đầu năm nay xuống 5,62 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái.
Các điểm đến đầu tư lớn nhất là Singapore, Việt Nam, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Malaysia, thuộc các lĩnh vực dịch vụ cho thuê và kinh doanh, sản xuất, bán lẻ, thông tin và công nghệ.
Mặc dù đầu tư ra nước ngoài giảm, ngân hàng vẫn đang để mắt đến các cơ hội cho vay tiềm năng như bất ổn xoay quanh đàm phán thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
"Chúng tôi vẫn quan sát tiềm năng về cơ sở hạ tầng và lĩnh vực năng lượng ở Đông Nam Á cũng như một số khu vực tại châu Âu", một nhân viên ngân hàng làm việc tại Bắc Kinh khác chia sẻ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất nối lại đàm phán bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
Mặc dù đàm phán đã được khởi động lại, một thỏa thuận tiềm năng vẫn còn ở khá xa, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro cho hay.