|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể tăng tốc việc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam

11:08 | 25/04/2019
Chia sẻ
Chiến tranh thương mại với Mỹ và Sáng kiến Vành đai và Con đường có khả năng tăng thêm áp lực cho nền kinh tế trì trệ và nợ nần của Trung Quốc do lợi ích từ hoạt động sản xuất tại đại lục giảm, South China Morning Post dẫn lời các nhà nghiên cứu.
Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể tăng tốc việc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp hơn 90 tỉ USD vào các quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường trong giai đoạn 2013 - 2018.

Việt Nam vô tình hưởng lợi từ Sáng kiến Vành đai và Con đường

Ngành sản xuất của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan thương mại của Mỹ, đặc biệt là các nhà xuất khẩu nhỏ - những doanh nghiệp dễ bị tổn thương do nhu cầu và biên lợi nhuận giảm vì phải đối mặt với các lựa chọn thay thế giá rẻ tại Việt Nam và Ấn Độ.

Nhiều đối thủ tại Đông Nam Á của Trung Quốc đã tham gia kế hoạch Vành đai và Con đường nhằm gia tăng thương mại toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa rằng hoạt động sản xuất tại đại lục có thể trở nên tồi tệ hơn vì nguồn đầu tư vào sáng kiến trên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ, bất chấp lợi ích từ cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng tốt hơn tại đất nước Nam Á này.

"Lợi thế của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn tồn tại, nhưng về mặt động lực, những lợi thế này đang giảm do rủi ro và bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", ông Xu Qiyuan, nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Chính trị, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay.

"Tất nhiên, quá trình cải cách của Việt Nam và Ấn Độ cũng là một yếu tố quan trọng", ông Qiyuan nói thêm.

Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam - được thúc đẩy bởi ngành sản xuất điện tử - đã tăng 11% mỗi năm trong suốt 5 năm qua. Điều này đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, theo dữ liệu từ Oxford Economics.

"Các thỏa thuận thương mại và dự án như Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng tăng thêm đầu tư vào khu vực Đông Nam Á", ông Sian Fenner, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics, cho hay.

Trung Quốc đang tập trung nâng cấp bản thân từ "xưởng sản xuất của thế giới" thành nơi sản xuất công nghệ cao, theo ông Xu. Tuy nhiên, tác động của việc chuyển đổi trên có thể gặp khó khăn, đặc biệt là khi Trung Quốc đang trải qua đợt tăng trưởng chậm nhất trong hơn ba thập kỉ.

Theo dữ liệu chính thức, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp hơn 90 tỉ USD vào các quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường trong giai đoạn 2013 - 2018.

Trung Quốc đối mặt bẫy nợ và chỉ trích từ Mỹ

"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy Bắc Kinh tăng gấp đôi hoạt động vành đai và con đường. Do đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách thay thế một số hàng nhập khẩu của Mỹ bằng hàng hóa của nước khác. Chiến tranh thương mại với Mỹ càng kéo dài, Trung Quốc sẽ càng chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác, trong đó có những nước tham gia dự án này", theo ông Jonathan Hillman, giám đốc của Dự án Kết nối Châu Á và là cựu cố vấn chính sách tại Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ.

"Sự mất mát của nông dân Mỹ có thể là lợi ích cho Kazakstan và các nước khác bởi họ làm tăng liên kết vận tải với Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường".

Tuy nhiên, đầu tư riêng của Trung Quốc vào sáng kiến trên cũng là một rủi ro ngày càng tăng đối với nợ và mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, ông Xu nói thêm.

Thay vì nhân dân tệ, phần lớn khoản đầu tư vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là bằng đồng USD, và cùng với nhu cầu thu hẹp khoảng cách thương mại của Mỹ, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang phải chịu áp lực khi giảm đáng kể từ năm 2014

"Nếu việc xây dựng Vành đai và Con đường chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn do Trung Quốc cung cấp, những hạn chế là rõ ràng. Việc này dễ bị chỉ trích bởi cộng đồng quốc tế vì động cơ, tiêu chuẩn và ảnh hưởng của nó", ông Xu nói.

Ngoài ra, ông Xu còn cho hay, Trung Quốc cần giảm bớt sự nghi ngờ, chỉ trích và nguy cơ vỡ nợ bằng cách xây dựng dự án này với các nước phát triển.

Washington đã chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo đó cảnh báo về suy hiểm của bẫy nợ và các mối đe dọa với an ninh quốc gia mà dự án này gây ra. Tuy nhiên, với nguy cơ căng thẳng gia tăng với Mỹ và với nền kinh tế của chính mình trong thời gian ngắn, Trung Quốc khó có thể từ bỏ kế hoạch đó.

Trần Nam Thi