|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ý tham gia Vành đai - Con đường, một nửa thế giới lo ngại

21:45 | 22/03/2019
Chia sẻ
Bất chấp các đồng minh châu Âu nhìn thấy mối đe dọa về chủ quyền, Ý vẫn tiến lại gần Trung Quốc.
Ý tham gia Vành đai - Con đường, một nửa thế giới lo ngại - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đã đến Ý vào ngày 21.3. Ảnh: Bloomberg

Bất chấp các đồng minh châu Âu nhìn thấy mối đe dọa về chủ quyền, Ý vẫn tiến lại gần Trung Quốc.

Cứu cánh cho Ý?

Vào ngày 23.3, Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ đưa Ý tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường Trung Quốc (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng xuyên lục địa. Các ngân hàng của chính phủ Ý cũng có thể được chính quyền Trung Quốc bật đèn xanh để phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ khi mối quan hệ giữa hai bên ngày càng sâu sắc.

Bản ghi nhớ về Vành đai và Con đường sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sẽ đưa Ý trở thành nước đầu tiên thuộc nhóm 7 nước công nghiệp (G7) tham gia dự án này. Theo các quan chức Ý, ông Tập sẽ dự tiệc với Tổng thống Sergio Mattarella và tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ý.

Đây là một chiến thắng cho những người hâm mộ Trung Quốc ở Ý, bao gồm Giovanni Tria, Bộ trưởng Tài chính kỹ trị của Ý, và ông Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào Năm sao, chiếm một nửa chính phủ dân túy của đất nước. Cả hai đều coi thỏa thuận này là một cơ hội lớn để mang lại những khoản đầu tư rất cần thiết cho nền kinh tế trì trệ của Ý.

"Con đường tơ lụa đã có mặt ở châu Âu, chuyến tàu đến Trung Quốc khởi hành từ Duisburg ở Đức", ông Micheal Michele Geraci, người phụ trách tại Bộ Phát triển Kinh tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg hôm 21.3. Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng Ý sẽ là nhà tiên phong cho các nước châu Âu còn lại dọc theo Con đường tơ lụa tham gia dự án của Trung Quốc”.

Tác động kinh tế của Ý với sự kiện này sẽ là rất hạn chế. Nhưng với vị thế là một quốc gia trong nhóm G-7, việc Ý tham gia BRI cũng gây ra sự bất đồng ở Washington, một quan chức Mỹ giấu tên bình luận với Bloomberg.

Chuyến thăm của ông Tập cũng diễn ra vào thời điểm Washington đang thất bại trong việc thuyết phục các đồng minh chặn Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G. Mỹ lo ngại rằng nếu người Ý sẵn sàng tham gia kế hoạch cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, thì đó là một dấu hiệu khác cho thấy các đồng minh của họ đang mềm mỏng với Bắc Kinh, quan chức Mỹ cho biết.

Trước những chỉ trích từ Washington và các đồng minh châu Âu, ông Conte đã buộc phải đưa ra những lời đảm bảo rằng Ý không phải là “con ngựa thành Troia ở châu Âu” của Trung Quốc.

Điều đó là không đủ cho các đồng minh như Emmanuel Macron. Mặc dù ông Tập sẽ đến thăm Pháp sau khi đến Ý và thậm chí dùng bữa với tổng thống Macron, người gần đây đã cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ý tham gia Vành đai - Con đường, một nửa thế giới lo ngại - Ảnh 2.

Ông Emanuel Macron. Ảnh: Bloomberg


"Châu Âu đã thức tỉnh về Trung Quốc," ông nói với các phóng viên khi đến một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 21.3. Ông nói thêm: "Kể từ khi bắt đầu nhiệm vụ, tôi đã kêu gọi bảo vệ chủ quyền của châu Âu".

Tranh cãi

Hiệp định Rome-Bắc Kinh, được coi là một sự "vượt rào" trong một mặt trận thống nhất chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng về kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu, Bloomberg trích lời một quan chức Pháp giấu tên cho hay.

Và không giống như chuyến thăm Ý, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Pháp sẽ không cho ra kết quả là một bản ghi nhớ về “Vành đai-Con đường”, một quan chức của chính quyền Macron cho biết, mặc dù chính phủ đang xem xét các dự án mà hai quốc gia có thể ký kết. Ông Macron cũng sẽ thảo luận về một đơn đặt hàng lớn của Airbus trong chuyến thăm của ông Tập.

Theo một nghiên cứu của Baker McKenzie, các nhà đầu tư Trung Quốc đã thực hiện các vụ thâu tóm trị giá 1,83 tỉ USD tại Pháp vào năm ngoái, tăng 86% so với năm 2017, trong khi các khoản đầu tư tại Đức đạt 2,52 tỉ USD, tăng 34%. Đầu tư Trung Quốc vào Ý đã giảm 21% xuống còn 800 triệu USD.

Đó là điều khiến Rome không vui. Bloomberg dẫn lời một thành viên của chính phủ Ý giấu tên cho biết rằng các đối tác EU đang thực hiện các thỏa thuận với Trung Quốc trị giá nhiều triệu USD, trong khi trách mắng Rome về một bản ghi nhớ đơn giản.

Ý đã thuyết phục Trung Quốc trích dẫn các nguyên tắc của EU bao gồm tính minh bạch và có đi có lại trong bản ghi nhớ, một quan chức cấp cao khác của Ý cho biết. Dù vậy, viết trên tờ Corriere della Sera hôm 20.3, ông Tập kêu gọi một mối “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu”, bao gồm mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng đến viễn thông đến cảng.

Bá Ước