Thương chiến kéo dài, ông Trump còn ‘vũ khí’ gì có thể mang ra dùng với Trung Quốc?
Chỉ trong vài ngày đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng hai vũ khí lớn nhất trong kho của mình là bật đèn xanh cho kế hoạch đánh thuế "khủng" nhất trong lịch sử và chính thức gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc.
Dù vậy, ông Trump còn nhiều công cụ khác trong tay nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang.
Biến USD thành vũ khí, tại sao không?
Công cụ uy lực nhất, có tiếng vang nhất và cũng được ông Trump chú ý nhất thời gian gần đây là phá giá USD, biến đồng tiền dự trữ của thế giới thành một loại vũ khí.
Trong một loạt các dòng tweet đăng hôm thứ Năm tuần trước (8/8), ông Trump kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, làm suy yếu đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu và tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Boeing, Caterpillar, …
Động thái này của ông Trump đã phớt lờ một thỏa thuận lâu đời với các nước G20 mà ông Trump vừa tái kí vài tuần trước nhằm ngăn chặn hành động phá giá để cạnh tranh không lành mạnh.
Các nhân vật "diều hâu" của Nhà Trắng từ lâu đã hối thúc Bộ Tài chính can thiệp trực tiếp trên thị trường ngoại hối với lí do khu vực sản xuất Mỹ đang suy giảm. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm này xuất phát từ thuế quan của ông Trump và sự bất ổn xoay quanh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Việc Fed giảm lãi suất hay can thiệp trực tiếp sẽ có tác động đến đâu? Câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.
Quĩ của Bộ Tài chính dùng cho hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối là khoảng 92 tỉ USD. Giả sử Fed cũng tham gia như những lần trước và đóng góp số vốn tương đương, việc bơm 184 tỉ USD vào thị trường ngoại hối toàn cầu với thanh khoản 5.000 tỉ USD mỗi ngày cũng chỉ như "muối bỏ bể".
Để có thể có tác động đáng kể, chính quyền của ông Trump phải can thiệp thật mạnh tay với nguồn lực lớn hơn nhiều.
Đánh thuế, đánh thuế nữa, đánh thuế mãi
Ông Gary Hufbauer – chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tê Peterson nhận định: "Ông Trump mới chỉ khẽ chạm tay vào cái giếng sâu chứa đầy các vũ khí mà ông có thể dùng để chống lại Trung Quốc".
Ngoài phá giá USD, ông Trump còn có thể quay trở về với công cụ mà ông vẫn hằng yêu thích là thuế quan bằng cách tăng cường áp thuế đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập từ Trung Quốc.
Chẳng hạn, thay vì thuế suất 10% như lời đe dọa hôm 1/8, ông Trump có thể áp luôn mức thuế 25%.
Chưa kể, Bộ Thương mại Mỹ còn có ý định cho phép các doanh nghiệp đề xuất thuế quan cụ thể nhằm vào từng loại hàng hóa bị coi là hưởng lợi từ chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc. Nếu qui định này được áp dụng, hàng loạt công ty Mỹ sẽ xin được bảo vệ và thêm nhiều sản phẩm từ quốc gia tỉ dân sẽ bị đánh thuế quan trả đũa.
Mở rộng danh sách đen
Cũng theo ông Haufbauer, chính quyền Tổng thống Trump còn có thể đặt ra thêm các rào cản đối với doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ hoặc nhằm vào nguồn cung năng lượng của Trung Quốc bằng cách tước bỏ giấy phép mua dầu từ Iran và Venezuela.
Ngoài ra, Mỹ còn có thể áp lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho các công ty lớn của Trung Quốc như đang làm với Huawei kể từ tháng 5.
Vấn đề Huawei từng nhiều lần được ông Trump nhắc tới như là quân bài trên bàn đàm phán.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6, ông Trump cho biết doanh nghiệp Mỹ có thể nộp đơn xin phép xuất khẩu cho Huawei nếu chứng minh được rằng hoạt động kinh doanh này không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Tuy nhiên sau tuyên bố này, chính quyền Mỹ vẫn chưa làm rõ sản phẩm nào được coi là không đe dọa an ninh quốc gia. Mới đây hôm 7/8, Mỹ lại ra qui định cấm tất cả cơ quan nhà nước mua hàng hóa, dịch vụ từ Huawei.
Nếu cuộc chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, phía Mỹ có thể mở rộng phạm vi cấm vận đối với nhiều doanh nghiệp khác của Trung Quốc như ZTE Corp.
Bộ Thương mại Mỹ hiện đang hoàn thiện danh sách sản phẩm bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc như công nghệ robot hay trí tuệ nhân tạo (AI). Doanh nghiệp Mỹ muốn bán các sản phẩm này sẽ phải xin các giấy phép đặc biệt của chính phủ.
Dự kiến đến cuối năm nay, bản danh sách các công nghệ bị hạn chế xuất khẩu sẽ được hoàn tất. Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã bắt đầu vận động hành lang để thu hẹp danh sách này, cho rằng nhiều công nghệ như bán dẫn không nên bị coi là nguy cơ an ninh quốc gia.
Họ cũng cho rằng các lệnh hạn chế sẽ thu hẹp thị trường tiêu thụ, làm giảm chi tiêu nghiên cứu và phát triển.
Khi nào ông Trump mới dừng tay?
Ông Michael Pillsbury – người có một số dịp làm cố vấn cho chính quyền Tổng thống Trump cho rằng những áp lực mà phía Mỹ áp đặt đã khiến Trung Quốc phải đưa ra một số nhượng bộ như lập ra một tòa án mới về quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Pillsbury cho rằng trước mắt, hai nước có thể đi đến một thỏa thuận nhỏ theo hướng Trung Quốc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ và mua thêm nông sản Mỹ, còn Mỹ thì giảm bớt qui mô thuế quan lên hàng Trung Quốc.
Các vấn đề "gai góc" hơn như yêu cầu Trung Quốc cải cách kinh tế hay cắt giảm trợ cấp công nghiệp có thể tạm gác lại sau.
Tuy vậy, tình hình thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones "bay" 1.000 điểm có thể không làm Tổng thống đổi ý, nhưng "bay" 5.000 điểm thì lại khác.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức, đây chính là cơ hội để những cố vấn mang tư tưởng "diều hâu" chống Trung Quốc đẩy mạnh những đề xuất táo bạo của mình.
Vấn đề duy nhất cản đường những con "diều hâu" này là sự thiếu vắng trong hợp tác.
Ông Derek Scissors – Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: "Ông Trump rất bực mình với Trung Quốc. Cánh cửa công kích Trung Quốc đang mở toang nhưng những người theo phe "diều hâu" đang không được tổ chức tốt và chỉ mạnh ai nấy làm, không có những ưu tiên cụ thể".