|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Tổng thống Trump là chướng ngại vật trên hành trình trở thành siêu cường 2050 của Trung Quốc

12:20 | 12/08/2019
Chia sẻ
Theo Bloomberg, ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra, kế hoạch biến Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vào năm 2050 của ông Tập đã là quá tham vọng. Vì vậy, áp lực lớn từ phía Chính quyền TT Trump có thể khiến Trung Quốc điêu đứng hơn.
adsgads

Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump làm nảy sinh hàng loạt thách thức cơ cấu cho Trung Quốc?

Tầm nhìn lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngày càng trông giống ảo tưởng. Áp lực gia tăng từ phía Tổng thống Donald Trump đã làm phát sinh thêm hàng loạt thách thức mang tính cấu trúc đối với nền kinh tế trị giá 14.000 tỉ USD của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các thách thức này bao gồm mức nợ cao kỉ lục, ô nhiễm tràn lan và dân số già hóa. Chính các thách thức này khiến Trung Quốc đối mặt với rủi ro mắc vào "bẫy thu nhập trung bình", tức là rơi vào đình trệ trước khi đạt đến mức độ giàu có của các nước phát triển.

Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể tránh được số phận nói trên bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và tăng sức mạnh công nghệ của đất nước.

Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Chỉ 5 quốc gia đang phát triển đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi lên vị thế của một quốc gia tiên tiến trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng cao kể từ năm 1960, giáo sư Michael Spence - người từng đoạt giải Nobel và hiện đang công tác tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho hay.

"Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch siêu cường 2050 trước sự phản đối mạnh mẽ từ phía Mỹ, khiến rào cản tăng cao hơn", ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China (Bắc Kinh), nhận định.

"Tuy nhiên, Mỹ rõ ràng đã thắp lên một ngọn lửa ngay bên dưới Trung Quốc. Nếu Chính quyền Chủ tịch Tập thành công...chính sự phản đối của Mỹ là yếu tố đã thực sự thúc đẩy họ vào guồng quay".

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh các thách thức mà Chủ tịch Tập phải đối mặt vào hôm 9/8. Trong bản báo cáo thường niên về nền kinh tế Trung Quốc, IMF nhận định nếu Mỹ - Trung không kí kết được một thỏa thuận thương mại toàn diện, triển vọng dài hạn của Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng.

"Cơ hội tiếp cận thị trường và công nghệ nước ngoài của Trung Quốc có thể suy giảm đáng kể", IMF viết.

Tỉ lệ đạt thỏa thuận trong thời gian ngắn dường như là rất thấp. Sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế suất mới lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hai tuần trước, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách tạm dừng mua nông sản Mỹ và cho phép đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 vào ngày 5/8.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đáp trả vài giờ sau, theo đó chính thức gắn mác kẻ thao túng tiền tệ cho Trung Quốc.

Nhà Trắng cũng tạm ngưng ra quyết định cấp miễn trừ cho doanh nghiệp Mỹ muốn hợp tác với Huawei Technologies.

Bất kì sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc đều khó xảy ra cho đến sớm nhất là tháng 10, ông Jeff Moon, cựu trợ lí của Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề Trung Quốc.

Ông Tập đang phải đối mặt với áp lực nội bộ ngày càng lớn nhằm tăng cường sức mạnh khi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong leo thang và Trung Quốc chuẩn bị kỉ niệm 70 năm Quốc khánh vào ngày 1/10.

"Bất kì dấu hiệu thỏa hiệp nào cũng là điều không thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc", ông Moon nói.

Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng như thế nào, một số phương tiện truyền thông ở Trung Quốc lại đưa ra khả năng Bắc Kinh có thể xem xét cắt đứt hoàn toàn hoạt động thương mại với Mỹ.

"Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng tốc độ điều chỉnh, tạo ra nhiều thị trường xuất khẩu mới hơn", Tổng biên tập tờ Global Times Hu Xijin đăng tải trên Twitter hôm 8/8, một ngày sau khi số liệu hàng hóa xuất ra nước ngoài vượt kì vọng trong tháng 7.

Trong ngắn hạn, Chính phủ Trung Quốc hiện đang có "hỏa lực" dồi dào để ngăn chặn tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức 6% trong phạm vi mục tiêu hàng năm.

Bloomberg Economics dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi Standard Chartered kì vọng kích thích tài khoán sẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi vừa phải trong nửa cuối năm 2019.

Huawei - "nước cờ" lớn của Mỹ trước Chính quyền Chủ tịch Tập

Chủ tịch Tập đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các thách thức dài hạn của Trung Quốc. Chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy kinh tế kéo dài hơn hai năm qua đã giúp loại bỏ một số khoản nợ thuộc nhóm nghiêm trọng nhất khỏi thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, các cơ quan quản lí cũng thực hiện đường lối chính sách cứng rắn hơn đối với những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao trong thời gian gần đây. Ngành dịch vụ hiện tại chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã rót hàng tỉ USD vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao ngay tại quê nhà, đối đầu trực diện với phương Tây trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và xe điện.

Trong bài phát biểu trình bày tầm nhìn dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc vào tháng 10/2017, ông Tập từng tuyên bố sẽ gia nhập khối các quốc gia đổi mới nhất vào năm 2035 để tiến tới vị thế cường quốc vào năm 2050.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã phơi bày khoảng cách giữa Bắc Kinh và một số mục tiêu của Chủ tịch Tập.

Ví dụ nổi bật nhất chính là Huawei. Việc Huawei nằm trong danh sách đen của Mỹ có nguy cơ làm tê liệt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vì thiết kế chip tại nước này không đủ phức tạp để thay thế sản phẩm đến từ Mỹ.

"Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất", ông Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

"Trở ngại này sẽ khiến Trung Quốc khó bắt kịp hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều động lực mạnh mẽ để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển hệ sinh thái công nghệ của riêng họ. Cách Trung Quốc triển khai kế hoạch này sẽ quyết định tốc độ phát triển của họ".

Nợ và dân số già là hai thách thức lớn khác

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế, gánh nặng nợ của Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng bất chấp chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy, cụ thể mức nợ đã leo thang lên khoảng 303% GDP, một trong những tỉ lệ cao nhất trong nhóm quốc gia đang phát triển.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm hơn 20% xuống 718 triệu USD vào năm 2050, theo dữ liệu do Liên Hợp Quốc tổng hợp.

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000 lên mức ước tính 10.000 USD trong năm nay, con số nói trên vẫn thấp hơn nhiều so với 65.000 USD ở Mỹ và Singapore (một trong 5 nền kinh tế mà ông Spence nhấn mạnh là đã đạt được vị thế quốc gia tiên tiến kể từ năm 1960).

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển nhanh chóng so với các quốc gia giàu có khác, nhưng lợi thế của nước này đang bị thu hẹp.

Standard Chartered ước tính, nếu thuế quan mới có hiệu lực từ ngày 1/9, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc có thể giảm 0,3 điểm phần trăm.

Chủ tịch Tập đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác nước ngoài của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng các hiệp định thương mại khác, tuy nhiên Mỹ vẫn chiếm khoảng 20% xuất khẩu của nước này.

"Thương chiến Mỹ - Trung chắc chắn khiến quá trình chuyển đổi trở nên khó khăn hơn", bà Michelle Lam, nhà kinh tế học tại Societe Generale SA (Hong Kong), nhận định.

"Trung Quốc sẽ đánh mất một khoảng thị phần xuất khẩu và tốc độ chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng sẽ chững lại. Tuy nhiên, các căng thẳng hiện tại cũng tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra cải cách nghiêm túc hơn".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.