|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc phải làm gì để chiều lòng ông Trump?

11:42 | 11/08/2019
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra là một đối thủ "khó chơi" và một đối tác "khó chiều" khi không ai biết mục tiêu cụ thể của ông trong cuộc xung đột với Trung Quốc là gì, trong khi căng thẳng đang leo thang và lan rộng, từ thương mại sang lĩnh vực công nghệ, tiền tệ, ...

Trung Quốc phải chịu gánh nặng thuế quan?

Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần đăng tweet và tuyên bố trước báo giới rằng Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng thuế quan trong cuộc chiến thương mại.

Mới đây nhất hôm 5/8, ông Trump nói: "Rõ ràng người trả thuế quan là Trung Quốc chứ không phải là Mỹ. Hiện nay Mỹ đang thu về hàng chục tỉ USD từ Trung Quốc".

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những điều ông Trump như trên là không chính xác, tuy nhiên trước hết hãy xem ông Trump dự định đạt được mục tiêu trên bằng cách nào.

Có vẻ như ông Trump muốn doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá bán, sau đó cộng thêm khoản thuế quan mà Mỹ áp vào và bán cho người tiêu dùng Mỹ với giá như cũ.

Giả sử ban đầu khi chưa có thuế quan, công ty của Trung Quốc bán một chiếc tai nghe cho người tiêu dùng Mỹ với giá 11 USD.

Sau khi áp thuế quan 10%  lên hàng Trung Quốc, ông Trump kì vọng doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ khai giảm giá sản phẩm xuống còn 10 USD, nộp 1 USD tiền thuế và vẫn bán cho người Mỹ với giá 11 USD như cũ.

Theo kịch bản lí tưởng mà ông Trump viết ra: Công ty Mỹ chịu thiệt vì phải hạ giá bán (từ 11 xuống còn 10 USD/sản phẩm), người tiêu dùng Mỹ không bị ảnh hưởng vì vẫn mua hàng với giá cũ và chính phủ Mỹ được lợi vì có thêm nguồn thu từ việc áp thuế (1 USD/sản phẩm) hàng Trung Quốc.

Rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế đến từ nhiều tổ chức uy tín bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Đại học Harvard đều đi đến kết luận rằng kịch bản trên không xảy ra trong thực tế. 

Người phải trả phần lớn thuế quan của ông Trump chính là doanh nghiệp và người dân Mỹ. Doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chịu một phần nhỏ.

Chính quyền của ông Trump thậm chí phải chi hàng chục tỉ USD để hỗ trợ nông dân thiệt hại vì chính sách trả đũa của Trung Quốc.

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc vốn dĩ đã "mỏng như dao cạo" và do vậy họ khó có thể hạ giá bán hay chiết khấu thêm được nữa.

Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ?

Nhưng giả sử Trung Quốc làm điều mà ông Trump muốn, liệu Tổng thống Mỹ có vui vẻ tươi cười không? Câu trả lời vẫn là không.

Sau hơn hai tháng đi ngang, vào ngày 5/8 vừa qua tỷ giá NDT/USD đột ngột tăng vọt lên trên ngưỡng 7 quan trọng. Đây là lần đầu tiên trong 11 năm qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) để cho tỷ giá vượt ngưỡng tâm lí quan trọng này.

Tỷ giá tăng đồng nghĩa với giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) giảm đi và giá cả hàng Trung Quốc giảm đi đối với người tiêu dùng Mỹ. Trung Quốc quả thực bị thiệt hại vì giờ đây cùng bán một món hàng, cùng giá yết theo đồng NDT nhưng số tiền tính theo USD thu về lại ít đi.

Những tưởng ông Trump phải vui mừng và tuyên bố chiến thắng nhưng thực tế là ông lại nổi giận đùng đùng, "đăng đàn" Twitter chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ để cạnh tranh không lành mạnh.

Chỉ vài giờ sau, Bộ Tài chính Mỹ chính thức gắn mác quốc gia thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Quyết định này của Bộ Tài chính Mỹ nằm ngoài các qui trình thường thấy.

Trong đợt đánh giá gần đây nhất hồi tháng 5, phía Mỹ đã kết luận Trung Quốc không thao túng tiền tệ. Đợt đánh giá tiếp theo phải tới tháng 10 mới diễn ra.

ndt

Diễn biến tỷ giá NDT/USD trong 6 tháng gần đây. Nguồn: Bloomberg.

Và việc gắn mác thao túng tiền tệ với Trung Quốc lại là một điểm nghịch lí trớ trêu khác của ông Trump.

Quả thực Trung Quốc từng có thời gian dài thao túng tiền tệ (2003-2014) theo hướng giữ giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo để hỗ trợ xuất khẩu và xây dựng năng lực công nghiệp.

Tuy nhiên từ năm 2015 trở về sau, dòng vốn từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài nhiều gây áp lực rất lớn lên giá trị đồng NDT. 

Lúc này Trung Quốc đã phải can thiệp theo chiều ngược lại, tức là dùng dự trữ ngoại hối để mua NDT, nâng đỡ giá trị đồng tiền nước mình chứ không phải phá giá như ông Trump thường cáo buộc. 

Theo ước tính của BloombergReuters, Trung Quốc đã phải chi tới khoảng 1.000 tỉ USD cho chiến dịch này.

Sau khi ông Trump hôm 1/8 đe dọa áp thuế lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc, phía Trung Quốc đã tạm ngừng can thiệp lên thị trường ngoại hối, để cho cung-cầu thị trường quyết định và thị trường đã đẩy tỷ giá vượt ngưỡng 7 quan trọng.

Việc để cho NDT mất giá trị có nhiều tác động: Thứ nhất, Trung Quốc muốn gửi đi một thông điệp đáp trả cứng rắn tới ông Trump.

Thứ hai, doanh nghiệp Trung Quốc chịu thiệt vì giá hàng hóa tính theo USD giảm đi, nguồn thu ngoại tệ giảm.

Thứ ba, tuy lợi nhuận giảm nhưng doanh nghiệp Trung Quốc lại có thể giữ được thị phần, cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa Mỹ trên đất Mỹ.

Hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì giờ đây có giá cao hơn do đồng USD mạnh lên tương đối so với NDT. Ông Trump vì vậy sẽ không đạt được mục tiêu mang việc làm trở về nước Mỹ như ông thường cam kết.

Nhưng dù là vì động cơ gì thì ngày 5/8, Trung Quốc cũng ngừng thao túng tiền tệ theo cả hai chiều, không phá giá mà cũng không nâng giá. Và chính quyền của ông Trump chọn đúng ngày này để gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc.

Quyết định gắn mác này không kèm theo biện pháp trừng phạt kinh tế nào đáng kể, tuy nhiên nó là một "danh hiệu" không lấy gì làm tự hào và phía Trung Quốc đương nhiên rất tức giận.

Trong thông cáo chính thức được gửi đi sau đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã trích dẫn các số liệu và nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) để khẳng định mình từ lâu đã không thao túng tiền tệ.

Đồng thời Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ nên "quay đầu trước bờ vực thẳm", "tìm lại con đường đúng đắn" và cảnh báo thiệt hại cho cả hai phía nếu Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng.

Chiến thắng của ông Trump trông như thế nào?

Việc chọc giận Trung Quốc sẽ càng làm cho triển vọng đạt thỏa thuận trở nên xa vời. Có thể Trung Quốc đang ít nhiều gặp khó khăn vì chính sách của Mỹ, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác không thể tỏ ra non yếu và dễ bị bắt nạt bởi áp lực ngoại bang.

Vậy đến khi nào cuộc chiến thương mại này mới kết thúc? Và một chiến thắng giành cho ông Trump trông sẽ như thế nào?

Rất nhiều chuyên gia được hỏi câu này nhưng không ai đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Ông Trump đã kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến thương mại và tiền tệ không hồi kết.

Các thị trường chứng khoán và ngoại hối liên tục giảm sâu tăng sốc sau mỗi thông tin liên quan đến cuộc chiến Mỹ - Trung vì các nhà đầu tư hết sức hoang mang, không biết mọi chuyện đang đi về đâu.

Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Philip Levy nhận định: "Chúng ta bước vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà không có kế hoạch thoát ra rõ ràng". Ông Levy từng là thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush và hiện là kinh tế trưởng của hãng vận tải Flexport.

"Có vẻ kế hoạch của ông Trump là 'Chúng ta sẽ đe dọa Trung Quốc, Trung Quốc phải nhún nhường và chúng ta giành chiến thắng'. Nhưng dường như chưa ai lên kế hoạch cho trường hợp Trung Quốc không chịu nhường bước như hiện nay", ông Levy nói thêm.

Ông Trump có vẻ vui mừng khi Trung Quốc chịu thiệt hại. "Hàng nghìn doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc", ông Trump viết trên Twitter.

Nhưng những gì gây thiệt hại cho Trung Quốc chưa chắc đã mang lại lợi ích cho Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh, tất cả đều thua cuộc.

Song Ngọc

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.