Không ai biết chiến thắng của ông Trump trông như thế nào
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump đang mang nhiều tham vọng cao ngất trời: một thế giới không thuế quan, một sân chơi bình đẳng với Trung Quốc với hàng hóa tự do lưu thông giữa hai quốc gia và lời hứa hẹn về mức tăng trưởng không giới hạn nhờ chính sách mở cửa thị trường mới và chấm dứt trộm cắp sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, ý nghĩa của loạt tham vọng này đối với nền kinh tế Mỹ khá mơ hồ, theo CNBC.
Liệu nền kinh tế Mỹ sẽ thực sự mạnh lên hay chỉ có Trung Quốc suy yếu đi? Nếu doanh nghiệp Mỹ có toàn quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, liệu lợi ích đạt được có nhiều đến thế? Phí tổn cho cuộc thương chiến gồm những gì?
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã phần nào làm rõ mục tiêu mà Mỹ nhắm đến khi gây leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và tìm kiếm một thỏa thuận họ cho là có lợi cho phía Mỹ.
"Tổng thống Trump đã nhiều lần cho biết mục tiêu cuối cùng của ông đối với hệ thống thương mại thế giới là không thuế quan, không hàng rào thương mại và không trợ cấp", Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kudlow cho hay.
"Thương mại hợp pháp và tự do mang lại một số lợi ích đáng kể. Người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh ở cả hai nước cũng sẽ hưởng lợi", ông Kudlow nói.
"Nếu muốn thành công, ông Trump phải có chiến lược"
600 tỉ USD là số liệu thô mà cố vấn kinh tế Larry Kudlow đưa ra nếu Mỹ có thể lấy lại những gì nước này đánh mất vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.
Con số này nhiều khả năng bắt nguồn từ một ước tính thường được trích dẫn năm 2017 của Ủy ban về Hành vi Trộm cắp Tài sản Trí tuệ Mỹ (thuộc hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa). Cơ quan này đã đưa ra dự đoán trong phạm vi 225 - 600 tỉ USD.
"Ông Trump là một vị tổng thống có thể thay đổi thế cuộc. Ông ấy đang xây dựng lại nền kinh tế Mỹ và chúng tôi đã đạt được một số thành công đáng kể. Quá trình này không dễ dàng gì và nó bao gồm vấn đề mất cân bằng thương mại", ông Kudlow nói.
"Vì vậy, những gì chúng tôi đang nỗ lực là nhằm tạo dưng một nền thương mại công bằng, tự do và có qua có lại với Trung Quốc".
Bất ổn thương mại đã gây thiệt hại lớn đối với thị trường tài chính Mỹ. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống khi các công ty đa quốc gia chứng kiến lợi nhuận suy giảm vì chi phí cao hơn và chuỗi cung ứng bị xáo trộn.
Trong khi đó, Phố Wall cũng trải qua thời kì biến động dữ dội, khiến các chỉ số chứng khoán quan trọng đều sụt giảm gần 5% trong tháng qua.
Cùng lúc này, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục tấn công Trung Quốc mà chưa bao giờ phân định kết quả đạt được là gì nếu ông kí kết thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tổng thống Mỹ thường xuyên hứa hẹn nền kinh tế sẽ tăng trưởng vượt mức 3% một năm, tuy nhiên thuế quan cho đến nay vẫn chỉ đóng vai trò là lực cản đối với nền kinh tế này.
"Nếu muốn thành công, ông Trump phải có chiến lược", ông Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng tại TS Lombard, tuyên bố.
"Hãy vạch rõ mục đích, cách thức tiến hành và chiến thắng cụ thể. Vì trên thực tế, khi bạn hỏi tôi câu hỏi này, tôi không thể xác định được chiến thắng của ông Trump là gì", ông Blitz cho hay.
Quyết tâm của ông Trump đã đặt đúng chỗ, nhưng phương thức thực hiện lại vụng về
Bất chấp quan điểm tích cực về nền kinh tế Mỹ của mình, Tổng thống Trump không nhận được sự ủng hộ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò quốc gia gần đây do Đại học Quinnipiac tiến hành cho thấy, trong khi 71% đối tượng tham gia nhận định nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tuyệt vời hoặc tốt, chỉ 40% ủng hộ chính sách thương mại của ông Trump và 48% phản đối loạt chính sách này.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã lên tiếng lo ngại, vì các buổi công bố kết quả kinh doanh đều xảy ra tình trạng CEO công ty cho hay đang chuẩn bị cho tác dụng không mong muốn của thuế quan.
"Ông Trump có ý tốt, tuy nhiên phương thức thực hiện lại đang hơi vụng về. Chúng ta không biết mục tiêu cuối cùng là gì. Bằng cách nào bạn biết chúng ta đạt được hệ thống giao dịch thương mại tự do?", ông Blitz nói.
Thuế quan đang gây tổn hại cho Trung Quốc, và chí ít về mặt lí thuyết, Mỹ có thể thay đổi chuỗi cung ứng và đẩy Trung Quốc ra rìa hoạt động thương mại thế giới, như trong thời kì của Chủ tịch Mao Trạch Đông trước đây.
Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thể đảm bảo một môi trường thương mại tự do giúp đưa tăng trưởng kinh tế Mỹ lên một cấp độ khác.
"Tổng thống Trump đang tạo ra sự đổ vỡ, tuy nhiên tất cả những gì ông ấy thực sự làm có lẽ là khiến nền kinh tế Trung Quốc suy yếu", ông Blitz nói. "Nhưng làm như vậy để làm gì?"
Nếm trải "nỗi đau" trước khi giành được thắng lợi
Các chủ doanh nghiệp có lợi ích gắn liền với Trung Quốc đã đặt ra một số mục tiêu rõ ràng, gồm Chính phủ Trung Quốc không buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật công nghệ của họ, một cơ cấu thuế quan công bằng hơn và khả năng mở rộng hoạt động mà không vấp phải sự can thiệp của nhà nước.
"Tôi cần Chính phủ Mỹ chỉ ra chiêu bài tàn cuộc để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của công ty", ông Kevin O'Leary, một nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và ngôi sao trên chương trình "Shark Tank", chia sẻ với CNBC.
Ông O'Leary cho biết nếu tình trạng bế tắc này được giải quyết theo chiều hướng tích cực, ông sẽ đầu tư mạnh tay, tung thêm ít nhất 30 sản phẩm và thuê hàng trăm nhân viên để mở rộng dây chuyền.