|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thời điểm có lệnh thu hồi (Call date) là gì? Đặc điểm

09:27 | 19/03/2020
Chia sẻ
Thời điểm có lệnh thu hồi (tiếng Anh: Call date) là ngày mà một trái phiếu có thể được mua lại trước khi đáo hạn.
Thời điểm có lệnh gọi (Call date) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Thời điểm có lệnh thu hồi

Khái niệm

Thời điểm có lệnh thu hồi trong tiếng Anh là Call date.

Thời điểm có lệnh thu hồi là ngày mà một trái phiếu có thể được mua lại trước khi đáo hạn. Nếu nhà phát hành cảm thấy việc tái cấp vốn cho việc phát hành là có lợi, thì trái phiếu có thể được mua lại vào thời điểm có lệnh thu hồi bằng mệnh giá hoặc mức phí thấp.

Đặc điểm của Thời điểm có lệnh thu hồi

Chủ trái phiếu dự kiến sẽ nhận được các khoản lãi trên trái phiếu của mình cho đến ngày đáo hạn, tại thời điểm đó, mệnh giá của trái phiếu sẽ được hoàn trả. Các phiếu lãi đại diện (coupon) đại diện cho khoản thu nhập lãi của nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, có một số trái phiếu có thể được thu hồi như được nêu trong khế ước trái phiếu tại thời điểm phát hành. Nhà phát hành trái phiếu có quyền mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn của chúng, đặc biệt là trong thời điểm lãi suất trên thị trường giảm. 

Khi lãi suất giảm, bên vay hoặc nhà phát hành có cơ hội trả lãi theo các điều khoản của phiếu lãi trái phiếu với lãi suất thấp hơn, do đó, có thể giảm chi phí vay. Khi trái phiếu được thu hồi trước khi chúng đáo hạn, tiền lãi sẽ không được trả cho các nhà đầu tư.

Để bảo vệ chủ trái phiếu khỏi việc trái phiếu bị thu hồi sớm bởi nhà phát hành, các khế ước trái phiếu thường sẽ nhấn mạnh giai đoạn bảo vệ thu hồi. Giai đoạn bảo vệ thu hồi là giai đoạn mà một trái phiếu không thể được mua lại.

Ví dụ, trái phiếu phát hành có thời hạn 20 năm có thể có thời hạn bảo vệ thu hồi là 7 năm. Điều này có nghĩa là trong 7 năm đầu tiên của trái phiếu, bất kể lãi suất thay đổi như thế nào trong nền kinh tế, thì nhà phát hành trái phiếu không thể mua lại trái phiếu từ chủ trái phiếu. Thời hạn khoá này giúp nhà đầu tư được bảo vệ, vì họ được đảm bảo thanh toán lãi cho trái phiếu trong ít nhất bảy năm, sau đó thì thu nhập lãi không được đảm bảo nữa.

Khế ước trái phiếu cũng liệt kê ngày mà một trái phiếu có thể bị thu hồi sớm sau thời hạn bảo vệ thu hồi. Ngày này được gọi là thời điểm có lệnh thu hồi. Có thể có một hoặc nhiều thời điểm có lệnh thu hồi trong vòng đời của trái phiếu. Chuỗi thời điểm có lệnh thu hồi được gọi là kế hoạch lệnh thu hồi và có một giá trị quy đổi cụ thể được chỉ định cho mỗi một thời điểm. 

Một công ty phát hành có thể mua lại trái phiếu hiện tại của mình vào thời điểm có lệnh thu hồi nếu lãi suất thuận lợi. Nếu tỉ lệ và lợi suất tăng đủ cao, các nhà phát hành có thể sẽ chọn không thu hồi trái phiếu cho đến thời điểm có lệnh thu hồi tiếp theo, hoặc đơn giản chỉ đợi đến ngày đáo hạn để thu hồi vốn.

Nhà phát hành trái phiếu chỉ có thể thực hiện quyền chọn mua lại trái phiếu sớm vào các thời điểm có lệnh thu hồi được chỉ định. Để bù đắp cho các chủ trái phiếu khi mua lại trái phiếu sớm, một khoản phí cao hơn mệnh giá sẽ được trả cho các nhà đầu tư. 

Bởi vì các điều khoản của lệnh thu hồi khiến nhà đầu tư gặp bất lợi, trái phiếu có điều khoản thu hồi thường có xu hướng có giá trị thấp hơn so với trái phiếu không thể thu hồi. Do đó, để lôi kéo các nhà đầu tư mua trái phiếu có thể thu hồi, các công ty phát hành phải đưa ra lãi suất cao hơn cho trái phiếu có thể thu hồi.

Các nhà đầu tư phụ thuộc vào thu nhập lãi được tạo ra từ trái phiếu phải nắm bắt được thời điểm có lệnh thu hồi khi mua trái phiếu.

(Theo Investopedia)

Hải Miên