Thiểu phát (Disinflation) là gì? Đặc điểm
Ảnh minh họa. Nguồn: TeePublic.
Thiểu phát
Khái niệm
Thiểu phát hay cắt giảm lạm phát trong tiếng Anh là Disinflation.
Thiểu phát được dùng để miêu tả tỉ lệ lạm phát giảm dần. Nó được sử dụng để mô tả các trường hợp khi tỉ lệ lạm phát giảm nhẹ trong một thời gian ngắn. Thiểu phát khác với giảm phát, vì giảm phát là hiện tượng có hại cho nền kinh tế.
Đặc điểm của Thiểu phát
Thiểu phát được sử dụng để mô tả thời kì tốc độ tăng lạm phát chậm lại. Không giống như lạm phát và giảm phát, đề cập đến hướng dịch chuyển của giá cả, thiểu phát đề cập đến tốc độ thay đổi của tỉ lệ lạm phát. Mặc dù đôi khi bị nhầm lẫn với giảm phát, nhưng thiểu phát không được coi là vấn đề có hại cho nền kinh tế, vì giá không thực sự giảm và thiểu phát thường không báo hiệu sự khởi đầu của một nền kinh tế đang suy thoái.
Giảm phát được thể hiện dưới dạng tốc độ tăng trưởng âm, chẳng hạn như -1%, trong khi thiểu phát được thể hiện là sự thay đổi tỉ lệ lạm phát từ 3% một năm xuống 2% trong năm tiếp theo. Thiểu phát được coi là đối nghịch với tăng phát, xảy ra khi chính phủ kích thích nền kinh tế bằng cách tăng cung tiền.
Một chính sách thiểu phát lành mạnh tương đối cần thiết trong vài trường hợp, vì nó đại diện cho sự thu hẹp kinh tế và ngăn chặn nền kinh tế phát triển quá nóng. Như vậy, thiểu phát không phải là hiện tượng hiếm và được xem là bình thường trong thời kì kinh tế lành mạnh. Thiểu phát có lợi cho một số phân khúc dân số nhất định, ví dụ như những người có xu hướng tiết kiệm thu nhập của họ.
Nguyên nhân xảy ra thiểu phát
Một số lí do chính có thể khiến một nền kinh tế gặp phải tình trạng thiểu phát. Nếu một ngân hàng trung ương quyết định áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và chính phủ bắt đầu bán bớt một số chứng khoán, nó có thể làm giảm lượng cung tiền trong nền kinh tế, gây ra hiệu ứng thiểu phát.
Tương tự, sự sụt giảm trong chu kì kinh doanh hoặc suy thoái cũng có thể gây ra thiểu phát. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể chọn không tăng giá để giành thị phần lớn hơn, dẫn đến thiểu phát.
Ví dụ về thiểu phát
Dưới đây là CPI của một nền kinh tế giả định trong giai đoạn 2013 – 2017:
- CPI 2013: 100
- CPI 2014: 101
- CPI năm 2015: 102,1
- CPI năm 2016: 102,9
- CPI năm 2017: 103,3
Để xác định liệu nền kinh tế có trải qua lạm phát, thiểu phát hoặc giảm phát hay không, trước tiên chúng ta phải xác định lạm phát qua từng năm bằng cách xác định sự thay đổi hàng năm của CPI giữa các năm:
- Lạm phát từ 2013 đến 2014: 101/100 - 1 = 1%
- Lạm phát từ 2014 đến 2015: 102,1/101 - 1 = 1.1%
- Lạm phát từ 2015 đến 2016: 102,9/102,1 - 1 = 0,8%
- Lạm phát từ năm 2016 đến 2017: 103,3/102,9 - 1 = 0,4%
Từ năm 2013 đến 2015, nền kinh tế trải qua lạm phát gia tăng. Lạm phát là 1% từ 2013-2014 và 1,1% từ 2014-2015.
Từ năm 2015, nền kinh tế trải qua quá trình thiểu phát. Lạm phát là 0,8% từ năm 2015 đến năm 2016 và tiếp tục giảm xuống còn 0,4% từ năm 2016 đến 2017.
(Theo Investopedia và Corporate Finance Institute)