|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường mới nổi khó ngóc đầu năm 2019

07:07 | 18/12/2018
Chia sẻ
Tổng các khoản nợ của thế giới năm 2018 lập kỷ lục mọi thời đại - 184.000 tỉ USD, tức mỗi người dân đang gánh 86.000 USD tiền nợ

"Đau đớn, khó nhọc" là những dự đoán của giới chiến lược gia và chuyên gia kinh tế về năm 2019 của các thị trường mới nổi.

Dự đoán ảm đạm

Dự đoán này, nếu chính xác, hẳn sẽ khiến những nhà đầu tư lớn nhất thế giới thất vọng, sau khi các nền kinh tế của thị trường nóng bỏng nhất thế giới này cũng dần khép lại một năm 2018 đầy biến động do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Chiến lược gia Jason Daw thuộc Societe Generale, ngân hàng đầu tư đa quốc gia kiêm công ty dịch vụ tài chính của Pháp, cho rằng sự sụt giảm của các thị trường mới nổi sẽ bắt đầu ngay từ tháng 1 năm tới và không hề chuyển biến tích cực trong thời gian tiếp theo.

Ông Daw nhận định sự phục hồi khiêm tốn của các đồng tiền từ tháng 9 - dẫn đầu là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, real của Brazil và rand Nam Phi - chỉ mang tính tạm thời; tăng trưởng toàn cầu chậm lại cùng sự gia tăng thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục làm suy yếu đồng tiền các nước đang phát triển.

"Sẽ cần nhiều năm để hoạt động đầu tư thích nghi với các điều kiện thanh khoản USD kém thông thoáng hơn sau một thập kỷ kiếm tiền dễ dàng" - ông Daw phân tích - "Có rất nhiều trở ngại ngăn cản vốn chảy lại vào các thị trường mới nổi và cần có chất xúc tác vĩ mô quan trọng để xoay chuyển tình hình".

thi truong moi noi kho ngoc dau nam 2019

Các phương tiện giao thông trên đường phố Mumbai - Ấn Độ Ảnh: REUTERS.

Đồng quan điểm, các chuyên gia như lãnh đạo quản lý tiền tệ của quỹ đầu tư Man GLG (Anh) Lisa Chua, chiến lược gia ngân hàng Bank of America (Mỹ) David Woo và nhà kinh tế học Harvard Carmen Reinhart... cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro hơn dù các thị trường mới nổi vừa trải qua 8 tuần liên tiếp có dòng vốn chảy vào.

Họ cùng chỉ về một viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm hơn giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang, khả năng mạnh lên của USD cũng như những suy yếu về tiền tệ ở Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Điều này sẽ kết hợp với những tổn thất từ năm 2018, trong đó thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi trượt xuống "thị trường con gấu" (tức là thị trường suy giảm) và mỗi đồng tiền trong nhóm này đều suy yếu so với USD.

Núi nợ tai họa

Bên cạnh đó, công bố mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tình hình nợ năm qua cũng góp thêm một điểm tối. Theo đó, tổng các khoản nợ của thế giới năm 2018 lên tới mức kỷ lục mọi thời đại - 184.000 tỉ USD, tương đương mỗi người dân đang gánh trung bình 86.000 USD nợ.

Theo báo cáo, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đi đầu về vay nợ trên thế giới, chiếm hơn một nửa tổng nợ toàn cầu. IMF ước tính tổng nợ của 3 nền kinh tế đứng đầu thế giới đã vượt quá sản lượng kinh tế, trong đó riêng Mỹ nợ 22.000 tỉ USD.

Sự xuất hiện của Trung Quốc trong tốp đầu là một diễn biến tương đối mới. Kể từ khi bắt đầu thiên niên kỷ, tỉ lệ nợ của Trung Quốc trong tổng nợ toàn cầu đã tăng vọt từ không đầy 3% lên trên 15%, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng mau lẹ của họ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Núi nợ gia tăng được cho là tiềm ẩn tai họa lớn đối với nền kinh tế số 2 thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Nói về cuộc chiến này, giới phân tích thường nêu lên nhiều tổn thất với Bắc Kinh khi người tiêu dùng và doanh nghiệp mất niềm tin, thị trường bất động sản sa sút…

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng gánh chịu những tác động không nhỏ. Theo tổ chức Tax Foundation (Mỹ), những đòn thuế quan hiện tại của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc làm gia tăng gánh nặng thuế lên các gia đình trung lưu Mỹ và có thể làm mất 292.000 việc làm ở nước này. Bên cạnh đó, khảo sát toàn quốc của NBC/Wall Street Journal cho thấy số người Mỹ đánh giá kinh tế nước này sẽ tồi tệ hơn vào năm tới lên tới 33%, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Thế khó của Bắc Kinh Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa ra lệnh cho nhà chức trách tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm xuất khẩu của đất nước, ngưng công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của địa phương trong nỗ lực kiểm soát dòng chảy của thông tin kinh tế nhạy cảm. Động thái này đồng nghĩa sẽ không có dữ liệu PMI của Quảng Đông cho cả tháng 10 hoặc 11 năm nay. Một số chuyên gia nhận định PMI hằng tháng của Quảng Đông là chỉ số quan trọng hàng đầu cho thấy tình hình kinh tế thực sự của Trung Quốc. Nếu không có nó, các công ty địa phương sẽ phải dựa vào số liệu chính thức do chính phủ đưa ra hoặc dựa vào quan điểm chính thức về "màn trình diễn" của các công ty sản xuất ở Trung Quốc. Người chủ giấu tên của một công ty sản xuất ở TP Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông, nói với tờ South China Morning Post ngày 17/12 rằng ông lo ngại bước đi trên cho thấy sức khỏe nền kinh tế có thể xấu hơn ông tưởng. Đó chắc chắn cũng là mối bận tâm hàng đầu của giới lãnh đạo Trung Quốc khi họ nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh từ ngày 19 đến 21/12 để bàn về những ưu tiên cho chính sách kinh tế năm tới. Trang Bloomberg nhận định Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương Trung Quốc thường niên năm nay chịu sức ép đang tăng trong việc giải tỏa những quan ngại của Washington trước hạn chót đàm phán thương mại (1/3/2019). Trong năm 2019, Trung Quốc được dự báo đối mặt tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn - chỉ 6,2%, so với mức 6,6% năm nay - và sự không chắc chắn trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ. Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đẩy các nhà hoạch định chính sách vào tình thế không thoải mái khi phải quyết định xem điều gì quan trọng hơn lúc này: Thúc đẩy tăng trưởng hoặc tiếp tục cuộc chiến giảm nợ. Một số nhà phân tích phỏng đoán Bắc Kinh sẽ ưu tiên tăng trưởng với gói kích thích kinh tế lên đến 2.000 tỉ USD. Một bước đi như thế, nếu diễn ra, được kỳ vọng làm giảm bớt những nỗi lo về tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng cái giá phải trả có thể là những rắc rối ngày một nghiêm trọng về lâu dài. Hoàng Phương

Thu Hằng