Các công ty Mỹ nên cân nhắc đầu tư vào thị trường mới nổi, Việt Nam vẫn được đánh giá cao
Mỹ tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, bên cạnh đó các thị trưởng mới nổi cũng chứng kiến số lượng ca nhiễm tăng vọt.
Với những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, cả về số lượng ca nhiễm, tình trạng bất ổn và những phản ứng xung quanh đều tác động đến chiến lược tăng trưởng của các công ty ở Mỹ trong vài năm tới.
Trong hơn một thập kỉ qua, các công ty đa quốc gia ở Mỹ đã tìm thấy nhiều cơ hội tăng trưởng tại các quốc gia thị trường mới nổi.
Nhưng với những gì đang diễn ra, các công ty này cần phải học cách điều tiết lại nguồn vốn phân bổ đầu tư cũng như hạn chế đầu tư vào các thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề cho đến khi thị trường ổn định.
Nhà kinh tế trưởng Andrew Duguary nhận định, các thị trường mới nổi không có cơ sở hạ tầng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chuỗi cung ứng thực phẩm đủ tốt để đứng vững trước tình hình khẩn cấp chưa bao giờ xảy ra như đại dịch COVID-19.
Các thị trường mới nổi này lại phải đối mặt với nhiều áp lực xung quanh đại dịch COVID-19 làm nền kinh tế yếu đi khi họ vẫn còn đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Do đó các quốc gia mới nổi đã bị thấm đòn kinh tế từ dịch COVID-19 trước khi đại dịch này chính thức trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe tại quốc gia mình.
Tác động của đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm giám đoạn xuất khẩu của các thị trường mới nổi vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu bán hàng và dịch vụ từ nước ngoài. Điều này đã làm đồng tiền của các quốc gia này suy yếu đi và Chính phủ cũng không có khả năng bơm hàng tỉ USD để kích thích nền kinh tế như Mỹ đã làm.
Ông Andrew chia sẻ thêm, trong lịch sử, chúng ta đã thấy các thị trường mới nổi bất ổn do các sự kiện khủng hoảng và họ phải mất nhiều năm để phục hồi nền kinh tế về lại mức như trước. Như vậy, công bằng mà nói, nhiều thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc trong vài năm tới.
Tuy nhiên, ông Andrew khẳng định, việc hạn chế đầu tư vào các thị trường mới nổi không hoàn toàn là một chiến lược không ngoan. Mỗi thị trường cũng phải được nhìn nhận và đánh giá riêng lẻ đặt trong bối cảnh của đại dịch và nền kinh tế toàn cầu.
Ông Andrew nhắc tới Việt Nam và Malaysia là một trong số ít các nước tại Đông Nam Á đã tìm cách giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và sẵn sàng mở cửa trở lại nền kinh tế của họ.
So sánh với các thị trường mới nổi khác, nhà kinh tế học đánh giá hai thị trường mới nổi Việt Nam và Malaysia nhờ vào cơ sở hạ tầng và các kinh nghiệm ứng phó được tôi luyện trong các khủng hoảng trước đã không bị tác động quá lớn đến nền kinh tế.
Ông Andrew khẳng định những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam hay Malaysia có thể có thể mang lại cơ hội tăng trưởng đầu tư trong khi những quốc gia khác đang phải vật lộn để phục hồi trong vài năm tới.
Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều đưa ra những thách thức - và đại dịch COVID-19 đưa ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội. Một số cơ hội sẽ biến mất, nhưng những cơ hội khác sẽ xuất hiện, không chỉ ở một số thị trường mới nổi đã được lựa chọn mà cơ hội còn thấy được ở thị trường trong nước.
Đại dịch đã phơi bày những lỗ hổng của chuỗi cung ứng quá tải, có thể cho thấy được các cơ hội đầu tư tiềm năng trong nước. Khi đại dịch làm đảo lộn các thị trường mới nổi trên thế giới, các công ty Mỹ có thể muốn thực hiện chiến lược đầu tư thận trọng hơn, tránh xa các thị trường biến động hơn và cân nhắc tập trung vào các cơ hội tiềm năng trong nước.