|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Don Lam: ‘Áp lực lợi nhuận, chi phí và sự phụ thuộc Trung Quốc khiến doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam’

16:52 | 26/06/2020
Chia sẻ
CEO VinaCapital Don Lam nhận định rằng làn sóng FDI tiếp theo vào Việt Nam sẽ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ lên nền kinh tế hơn những dòng chảy FDI trước đó.
Ông Don Lam: ‘Áp lực lợi nhuận, chi phí và sự phụ thuộc Trung Quốc khiến doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam’ - Ảnh 1.

Ông Don Lam, CEO và đồng sáng lập của tập đoàn VinaCapital.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 và một số yếu tố khác đã đẩy một làn sóng FDI mới vào Việt Nam trong thời gian sắp tới. Theo ông Don Lam, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trên thế giới hấp dẫn được các công ty đa quốc gia hiện nay.

Ông Don Lam cho rằng Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều khả năng sớm phục hồi nền kinh tế hơn sau đại dịch, khi mà kinh tế trong nước đã được tái khởi động và đang dần hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức mà không chỉ Việt Nam phải đối mặt trong 6 tháng tới, nhưng ông Don Lam nhấn mạnh mọi việc đang đi theo hướng tích cực và Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh đáng kể để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

“Một trong những lợi thế đó là việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) bởi đây là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, ông Don Lam cho hay.

Theo số liệu của VinaCapital, những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng đáng kể so với các nước trong khu vực. Năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 38 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn 2009-2019 của Việt Nam là gần 8%, tức là FDI đã đóng góp 8% vào GDP Việt Nam, cao hơn gấp đôi so với các nước trong khu vực.

Ông Don Lam nhận định một số yếu tố hấp dẫn như lao động chất lượng cao, chi phí thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 so với chi phí lao động tại Trung Quốc, và vị trí thuận lợi của Việt Nam đã khiến nguồn vốn FDI phần lớn chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Trước xu hướng muốn các công ty đưa sản xuất quay trở về nội địa để tạo công việc cho dân bản xứ của một số chính trị gia trên thế giới, hay dự đoán của WTO về sự sụt giảm 30% dòng vốn FDI toàn cầu, ông Don Lam vẫn tin rằng nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi xu hướng trên và thậm chí sẽ còn tăng lên.

CEO VinaCapital đưa ra một vài yếu tố để lý giải cho sự kỳ vọng nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian sắp tới.

Theo đó, các doanh nghiệp trên thế giới thường nghĩ rằng họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đại dịch COVID-19 đã để lộ ra rằng họ thực chất đang quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Một nghiên cứu của Bloomberg tại Mỹ cho kết quả rằng 80% người tiêu dùng phản ứng tiêu cực với hàng “made in China” và xu hướng này cũng khá phổ biến ở châu Âu tuy có tỉ lệ thấp hơn.

Thêm vào đó, ông Don Lam cũng đề cập đến chi phí lao động đắt đỏ phải trả cho các công nhân ở châu Âu hoặc Mỹ, trong khi lực lượng lao động lành nghệ không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Chính vì áp lực về tỉ suất lợi nhuận, cắt giảm chi phí và sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc mà các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng cho việc đặt các cơ sở sản xuất trong tương lai.

Theo ông Don Lam, những áp lực này chính là cơ hội của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI.

Ngoài ra, CEO VinaCapital chia sẻ thêm, kiểm soát dịch bệnh thành công cũng đã củng cố thêm niềm tin để các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến.

Tạp chí Economist thậm chí cho biết doanh nghiệp nước ngoài sẽ lưu ý tới cách thức mà các quốc gia kiểm soát dịch bệnh như một yếu tố trong việc cân nhắc vị trí nhà máy sản xuất của họ trong tương lai.

Trong những chia sẻ của mình, ông Don Lam đề cập đến bộ tiêu chí EPIC, bao gồm các tiêu chí về kinh tế, chính trị, cơ sở hạ tầng và năng lực. Các nhà quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu thường sử dụng bộ tiêu chí này để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của các khu vực/quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đứng thứ 25 trên tổng số 60 quốc gia được bộ tiêu chí này đánh giá gần đây, cao hơn so với Indonesia, Phillipines và Thái Lan, nhưng thấp hơn Malaysia. Việc đánh giá này không chú trọng vào mức lương thấp mà nhấn mạnh vào tầm quan trọng của quy mô và sức hấp dẫn của thị tường trong nước.

Theo đó, Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn với tổng dân số gần 100 triệu người và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.

Ông Don Lam đưa ra một ví dụ điển hình cho làn sóng đầu tư mới cho Việt Nam là Apple.

Năm 2015, thời báo The Wall Street Jounal cho biết lời đề nghị của một số lãnh đạo Apple về việc chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam đã bị coi nhẹ. Nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 đã khiến Apple thay đổi chiến lược về cơ sở sản xuất.

Gần đây, một số trang báo đã đưa tin về việc Apple đang tìm kiếm nhân sự cho các vị trí tại Việt Nam. CEO VinaCapital cũng chia sẻ thêm về thông tin tai nghe Studio, một sản phẩm mới của Apple có thể sẽ được sản xuất đầu tiên tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.

Không chỉ Apple, Samsung và Panasonic cũng hai doanh nghiệp lớn đã và đang dịch chuyển chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam.

“Rõ ràng là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn tham gia vào làn sóng chuyển đổi này, để có thể khai thác được tiềm năng của Việt Nam”, ông Don Lam chia sẻ.

Hải Đường

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.