Gần 6 tỉ USD vốn FDI chảy vào các khu công nghiệp
Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) ước tính trong 6 tháng đầu năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút khoảng 335 dự án FDI với số vốn đăng kí mới và tăng thêm đạt khoảng 6 tỉ USD.
Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án FDI đến tháng 6/2020 lên khoảng 9.835 dự án với tổng vốn đăng kí đạt khoảng 197,8 tỉ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 72,3%. Đối với các dự án đầu tư trong nước, các KCN, KKT trên cả nước thu hút khoảng 282 dự án với tổng vốn đăng kí mới và tăng thêm đạt khoảng 62,7 nghìn tỉ đồng.
Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên 9.650 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỉ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46,3%.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 336 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 66 nghìn ha.
Cả nước có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước đạt khoảng hơn 845 nghìn ha, diện tích đất đã cho thuê trong các khu chức năng trong KKT đạt trên 40 nghìn ha. Trong đó có 38 KCN với tổng diện tích khoảng 16,6 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt gần 10 nghìn ha.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), EVFTA được thông qua là một điểm cộng cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, dù có thuận lợi nhưng theo ông Doanh, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề khi thu hút FDI từ EU. Cụ thể, lợi thế thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm kí kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU trong khi các nước cạnh tranh trong khu vực chưa có. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ tồn tại trong ngắn hạn bởi định hướng của cả ASEAN và EU sẽ tạo ra một FTA mang tính khu vực giữa hai khối.
Còn PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế cho rằng, khi EVFTA được thực thi, không chỉ thương mại mà dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng được gia tăng đáng kể.
Những lĩnh vực hấp dẫn doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam như công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao... Bên cạnh đó, các đối tác từ các nước khác cũng có thể chọn Việt Nam làm điểm đầu tư để xuất khẩu sang EU, tận dụng ưu đãi từ hiệp định.
Trước đó, chia sẻ với Chất lượng Việt Nam online, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính nhận định, Covid-19 “lộ” rõ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường, khiến chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn cầu đứt gãy, trong đó có Việt Nam.
Với việc phòng, chống, kiểm soát dịch tốt, Việt Nam đang ghi điểm mạnh với nhà đầu tư nước ngoài. Họ thấy được sự đồng lòng của người dân, Chính phủ trong trận chiến chống dịch. Đồng thời, nhà đầu tư thấy chúng ta có nền kinh tế - chính trị - văn hóa ổn định; có những ký kết hợp tác thương mại tự do đến nhiều thị trường lớn, có bờ biển dài, thuận tiện trong giao thương... Vì vậy, việc chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư sẽ cao hơn các quốc gia khác.
"Thế nhưng, chính vì sự thuận lợi trên mà chúng ta không được lơ là”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói và nhấn mạnh “phải cảnh giác đầu tư đội lốt, mượn xuất xứ để xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tráo xuất xứ”.