|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM làm gì để đón dòng vốn FDI dịch chuyển sau dịch COVID -19?

00:00 | 19/06/2020
Chia sẻ
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, là nơi kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, TP HCM đã chuẩn bị gì để đón dòng vốn đầu tư này?

5 tháng qua, TP.HCM đã cấp đầu tư 450 dự án mới với tổng vốn đăng ký là hơn 248 triệu USD, trong đó có 80 dự án điều chỉnh tăng vốn. Hơn 1.900 nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ USD. 

Các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI là: Thương mại, công nghệ, chế biến, chế tạo… Nhật Bản vẫn đang là nước dẫn đầu khi chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào TPHCM.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết, Việt Nam luôn là thị trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản trước và sau dịch. Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất tại đây và kỳ vọng lớn vào tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020.

Việt Nam không chỉ là điểm đến của ngành sản xuất mà còn là thị trường tiêu dùng hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, để thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài thì Việt Nam cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Để tạo sự khác biệt và thu hút đầu tư, chúng tôi mong muốn rằng, các khu công nghiệp cần tăng cường khôi phục và chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Trong đó, chú trọng đến các vấn đề như: điện, năng lượng phục vụ sản xuất và kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi vận chuyển hàng hóa và có thể đối ứng giải quyết nhanh trong trường hợp bất ổn về đường truyền tải thông tin và cơ sở hạ tầng IT”, ông Hirai Shinji nói.

TP HCM làm gì để đón dòng vốn FDI dịch chuyển sau dịch COVID -19? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Hạ tầng giao thông và thủ tục hành chính là hai vấn đề mà doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP. HCM quan tâm. Để trở thành điểm đến của doanh nghiệp FDI sau dịch Covid-19, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, thành phố tăng cường bố trí vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, đôn đốc kiểm tra tiến độ công trình.

Trong năm nay, TP. HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình như: Tuyến Metro số 1, Cầu Thủ Thiêm 2, các dự án thành phần khép kín đường Vành đai 2… và tiếp tục triển khai tuyến vành đai 3, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22-Bến Lức.

TP. HCM cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Hiện, những thủ tục này chỉ còn 7-10 ngày, giảm từ 3-5 ngày so với trước đây.

Ông Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, nhiều thủ tục đầu tư, Sở trả hồ sơ qua đường bưu điện. Sắp tới, đơn vị sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, nhằm cắt giảm thời gian và mở rộng dịch vụ công trực tuyến.

“Trong thời gian tới, về cải cách thủ tục hành chính, sở hoàn thiện hơn phần mềm hỗ trợ nhà đầu tư đăng ký trực tuyến. Trong đó, mở rộng thêm một số dịch vụ trực tuyến  như: hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… 

Bởi trước đây, trong trực tuyến chỉ cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, thông báo góp vốn mua cổ phần, phần góp vốn”, ông Phạm Trung Kiên cho biết.

Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, TP. HCM đang đẩy mạnh tạo quỹ đất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ triển khai thêm một số khu công nghiệp, nâng số khu công nghiệp của thành phố lên 23khu. Đồng thời, thành phố đang xin chủ trương xây dựng Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao 280 ha ở huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư Ban quản lý Các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, hiện nay, diện tích đất cho thuê ở 17 khu công nghiệp của thành phố đã gần lắp đầy, nhưng việc mở rộng diện tích cho thuê có nơi đang vướng và Hepza đang tích cực phối hợp tháo gỡ. 

Ban quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty hạ tầng để nắm những rõ những khó khăn của từng khu và làm việc với các cơ quan liên quan để  thúc đẩy quá trình này.

Dịch Covid -19 là minh chứng cho thấy, Việt Nam là điểm đến an toàn cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó, TP. HCM là điểm đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế. Bởi vậy, thành phố cần phát huy lợi thế là trung tâm kết nối vùng các tỉnh ở khu vực phía Nam, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ trong cung ứng, sản xuất, phân phối để thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Lệ Hằng

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.