|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CIEM đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020

11:55 | 13/07/2020
Chia sẻ
Theo Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo có thể đạt khoảng 2,1% hoặc cao hơn mức 2,6%.
CIEM đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày về hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ở kịch bản đầu tiên, CIEM dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt khoảng 2,1% trong trường hợp kinh tế toàn cầu bị suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đều giảm so với năm 2019. Xuất khẩu cả năm 2020 có thể giảm 3,1%, thặng dư thương mại ước đạt 1,7 tỉ USD. Lạm phát vẫn có khả năng vượt mục tiêu 4,3% mà Quốc hội đặt ra.

Trong đó, dự báo GDP thế giới theo IMF có thể giảm tới 4,9% trong năm 2020. Theo nhận định của EIU, giá hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm 1%, đặc biệt giá dầu thô thế giới giảm mạnh ở mức 37,5%.

Đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước, các chỉ số tăng trưởng được dự báo cho kịch bản thứ nhất gồm: tỉ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 1%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tín dụng tăng 8%, giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,5%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giảm 4,1% so với năm 2019.

Về cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) lần lượt giảm 10% và 5%. Giải ngân vốn đầu công ở mức 396.000 tỉ đồng.

Kịch bản thứ hai được đưa ra là mức tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt cao hơn ở mức 2,6%, tăng trưởng xuất khẩu giảm thấp hơn kịch bản 1, dự kiến giảm 1,9%, thặng dư cán cân thương mại đạt cao hơn, khoảng 2,1 tỉ USD trong năm 2020.

Tuy nhiên, lạm phát trong kịch bản này có thể đạt mức 4,5%, con số khá cao so với mục tiêu 4% đề ra của Quốc hội.

Với kịch bản thứ hai, CIEM dự báo tổng mức giải ngân vốn đầu tư công cả năm ước đạt 466.000 tỉ đồng, tập trung vào các dự án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt.

Đối với thế giới, tăng trưởng GDP giảm 2% trong năm 2020, giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 1%, giá dầu thô thế giới giảm 30%. Trong nước, tổng phương tiện thanh toán tăng 12%, tín dụng tăng 11%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, dịch COVID-19 có khả năng cao sẽ bùng phát lần thứ hai. Do đó, diễn biến nền kinh tế vẫn rất khó lường.

Trong bối cảnh này, CIEM khuyến nghị Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo dõi sát diễn biến tỉ giá và giá cả các mặt hàng quan trọng trên thị trường toàn cầu, hạn chế tác động áp lực tăng lạm phát. 

Đồng thời, xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, điều hành linh hoạt thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu…

Hoàng Huy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.