Tỉ lệ thất nghiệp tại Việt Nam cao nhất trong 10 năm qua
Theo báo cáo tình hình lao động việc làm tại Việt Nam mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỉ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật thấp
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quí II năm 2020 là 2,73%, trong đó, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kì năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quí II các năm giai đoạn 2011-2020 (Đvt:%)
Trong quí II, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật từ trung cấp trở lên vẫn giảm so với quí trước trong khi nhóm lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kĩ thuật lại tăng.
Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật bậc trung và bậc cao.
Theo nhận định của GSO, dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã tác động đến lao động, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.
Tác động của dịch bệnh đã làm cho lao động gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp sức lao động của mình trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xã hội.
Hậu quả là, đối với bản thân người lao động, thu nhập của họ đã giảm đáng kể so với trước khi xảy ra đại dịch. Cùng thời điểm năm trước, trong khi tốc độ tăng thu nhập của người lao động quí /2019 so với cùng kì năm 2018 đạt 16,6%, thu nhập quí II/2020 so với cùng kì năm 2019 giảm hơn 5%. Thu nhập của nhóm lao động làm chủ cơ sở giảm nhiều nhất so với các nhóm lao động có vị thế khác.
Trước tình hình khó khăn của người lao động trong việc tiếp cận công việc để tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người lao động.
Đối với tình hình thực hiện Nghị quyết số 42, tính đến ngày 25/6/2020, các địa phương đã thực hiện chi trả cho khoảng 11,2 triệu đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí 11.320 tỉ đồng.