|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những tín hiệu nào cảnh báo sớm về rủi ro đảo chiều của kinh tế Mỹ?

08:07 | 06/12/2018
Chia sẻ
BVSC cho rằng khi đường cong lợi suất TPCP chuyển sang dạng ‘đảo ngược’ và tỷ lệ thất nghiệp đảo chiều, tăng trở lại thì một cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ thường diễn ra ngay sau đó.
 
nhung tin hieu nao canh bao som ve rui ro dao chieu cua kinh te my Chủ tịch Fed nêu bật những thách thức đối với kinh tế Mỹ
nhung tin hieu nao canh bao som ve rui ro dao chieu cua kinh te my Oxford Economics: Kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, Fed tăng 3 lần lãi suất
nhung tin hieu nao canh bao som ve rui ro dao chieu cua kinh te my
Ảnh minh họa

Ngày 3/12 vừa qua, đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Điều này dấy lên lo ngại rằng kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn hậu tăng trưởng và bước vào pha suy giảm của một chu kì kinh tế.

Nhận định về vấn đề này, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng có hai chỉ báo vĩ mô có thể quan sát và sử dụng để dự báo về thời điểm rủi ro xuất hiện đối với kinh tế Mỹ là chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) và tỷ lệ thất nghiệp.

Chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài

Rủi ro thường xuất hiện khi lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kì hạn ngắn có xu hướng tăng nhanh hơn, thậm chí vượt cả lãi suất TPCP kì hạn dài. Diễn biến này thể hiện sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế khiến nhu cầu về vốn gia tăng mạnh trong ngắn hạn.

Theo thống kê của BVSC, kể từ năm 1980 trở lại đây, cứ mỗi khi mức chênh lệch này trải qua giai đoạn giảm kéo dài và về quanh mức 0% (thậm chí ở mức âm) thì một cuộc suy thoái thường diễn ra ngay sau đó (năm 1981, 1990, 2007).

nhung tin hieu nao canh bao som ve rui ro dao chieu cua kinh te my
Nguồn: BVSC

Hiện tại, trong phiên ngày 4/12, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn 5 năm và 2 năm giảm xuống dưới mức 0%. Tuy nhiên, chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm (kỳ hạn phổ biến được tham chiếu để dự báo khủng hoảng) vẫn đang duy trì trên mức 0%.

Mặc dù vậy, BVSC cho rằng xu hướng đường lợi suất đang chuyển từ trạng thái “phẳng” dần sang trạng thái “đảo ngược” kể từ tháng 2/2018 đến nay là khá rõ ràng. Do đó, CTCK này nhận định việc chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm và 2 năm giảm về dưới 0% chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên các chuyên gia của BVSC cũng cần lưu ý là luôn có độ trễ giữa việc đường cong lợi suất TPCP Mỹ chuyển sang dạng đảo ngược và pha suy giảm của kinh tế sau đó. Cụ thể trong cuộc khủng hoảng 2008 thì đường cong lợi suất đảo ngược cũng duy trì khoảng 4 quí trước khi cuộc khủng hoảng chính thức diễn ra, hay năm 2000 là ba quí.

Do vậy, việc chênh lệch lợi suất kỳ hạn 5 năm và 2 năm chuyển sang trạng thái âm trong phiên ngày 4/12 nên được xem là tín hiệu cảnh báo sớm hơn là lo ngại đà suy giảm sẽ diễn ra ngay lập tức. Dẫu vậy, với đặc tính đi trước nền kinh tế thực, thị trường chứng khoán Mỹ có lý do để lo lắng khi pha suy giảm của kinh tế Mỹ không còn quá xa.

Tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy

Theo thống kê của BVSC, kể từ năm 1948 cho đến nay, mỗi khi tỉ lệ thất nghiệp giảm và chạm đáy thì ngay sau đó nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy thoái.

Khi tỉ lệ thất nghiệp chạm đáy, hàm ý nền kinh tế đã ở trạng thái toàn dụng nhân công. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất do khó tiếp cận nguồn nhân lực, chi phí nhân công tăng cao từ đó tạo áp lực lên chỉ số lạm phát. Tăng trưởng của các doanh nghiệp chậm lại sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 3,7% (tháng 11/2018), mức gần thấp nhất trong lịch sử, chỉ sau giai đoạn 1951-1953 với mức trung bình 3% và giai đoạn 1968-1969 với mức trung bình 3,5%.

nhung tin hieu nao canh bao som ve rui ro dao chieu cua kinh te my

BVSC cho rằng, không loại trừ khả năng tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống trong một vài quí tới nhưng đà giảm của chỉ số này có thể sẽ chậm lại và sớm kết thúc. Do đó, nếu trong các tháng tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp đảo chiều tăng trở lại, một đợt suy giảm của kinh tế Mỹ rất có thể đang đến rất gần.

Xem thêm

Quốc Thụy