'Nín thở' chờ kết quả của FTSE Russell, chặng đường nâng hạng TTCK Việt Nam ngắn đi hay dài thêm?
Việt Nam đi lùi trên chặng đường nâng hạng lên thị trường mới nổi
Đến hẹn lại lên, cuối tháng này FTSE Russell sẽ công bố báo cáo phân loại thị trường. Đây là đợt đánh giá định kì được thực hiện vào tháng 3 và tháng 9.
Việc công bố phân loại thị trường của FTSE Russell vào cuối tháng này cũng thu hút lượng lớn nhà đầu tư Việt Nam quan tâm. Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có sang trang mới?
Được biết, cách đây gần một năm, vào ngày 27/9/2018, FTSE Russell đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market). Kết quả này không có nhiều khác biệt với nhận định đưa ra của các công ty chứng khoán tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, trong đợt đánh giá sau đó vào tháng 3/2019, FTSE Russell đã có sự thay đổi về những tiêu chí đánh giá trị trường trong đợt này. Cụ thể về việc đánh giá theo từng tiêu chí như sau:
- Thị trường phái sinh phát triển: thay đổi tích cực, chuyển từ trạng thái "Không đạt" sang "Hạn chế".
- Tỉ lệ các giao dịch thất bại hiếm: Chuyển từ trạng thái "Đạt" sang "N/A" (Không có dữ liệu xác định – PV) do các thông lệ thị trường trong việc kiểm tra trước giao dịch.
- Lưu kí: Quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho nhà đầu tư quốc tế: Hạ từ "Đạt" xuống "Hạn chế".
- Giao dịch ngoại hối: Tiêu chí này bị hạ từ "Hạn chế" xuống "Không đạt".
Như vậy, trong đợt đánh giá đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có sự cải thiện trong việc đánh giá thị trường phái sinh, nhưng lại "thụt lùi" về ba tiêu chí liên quan đến giao dịch, lưu kí.
Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chí nào?
Tại kì đánh giá tháng 3, FTSE Russell đánh giá 7/21 tiêu chí ở mức "Đạt", 9/21 tiêu chí mức "Hạn chế", 3/21 tiêu chí "Không đạt", một tiêu chí giao dịch T+2 và một tiêu chí không có dữ liệu xác định (N/A).
Cụ thể, một số tiêu chí thuộc nhóm "Thị trường và môi trường pháp lí" được đánh giá ở cấp độ Hạn chế như Đối xử công bằng với cổ đông thiểu số, Không hạn chế hoặc hạn chế chọn lọc quyền sở hữu của NĐT nước ngoài, Thị trường vốn tự do và phát triển, Thị trường ngoại hối tự do và phát triển, Không có hoặc quá trình đăng kí đơn giản cho NĐT nước ngoài.
Trong khi đó, hai tiêu chí đánh giá "Đạt" là cơ quan quản lý TTCK chính thức chủ động giám sát thị trường và không phản đổi hoặc hạn chế đáng kế hoặc hình phạt áp dụng cho khoản đầu tư vốn hoặc rút vốn và thu nhập.
So với kì đánh giá trước đó, các tiêu chí về "Thị trường và môi trường pháp lí" không có nhiều thay đổi.
Với nhóm "Lưu kí và thanh toán", "Hoạt động giao dịch", "Phái sinh", nhiều tiêu chí cần phải cải thiện do đang bị đánh giá "Không đạt" và "Hạn chế" như Cho phép vay mượn cổ phiếu, Thanh toán – Tự do chuyển nhượng chứng khoán, Cơ chế giao dịch hiệu quả, Cho phép bán khống, Thị trường phái sinh phát triển.
Đối với tiêu chí cho vay cổ phiếu và bán khống, tổ chức Morgan Stanley Capital Investment (MSCI) cũng đưa ra đánh giá cần phải cải thiện trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường trong kì đánh giá tháng 6 vừa qua.
Cập nhật tại Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, khái niệm "bán khống" chưa được đề cập đến. Do đó, việc cải thiện tiêu chí này cần thêm thời gian.
Việt Nam đã cải thiện được những tiêu chí nào sau 6 tháng?
Đánh giá trong báo cáo thị trường tháng 8 vừa được công bố, Chứng khoán BSC cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng qua đã có sự thay đổi về quy mô vốn hóa do một số công ty chuyển giao dịch trên UPCoM sang sàn HOSE. Dù vậy, chưa có chuyển biến chính sách để đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell.
Những thay đổi chỉ đến khi Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2019 và có hiệu lực vào 2020, Chứng khoán BSC nhận định.
Theo đó, công ty chứng khoán này nhận định nhiều khả năng Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell trong đợt công bố tháng 9 và cơ hội nâng hạng chỉ đến vào cuối năm 2020 hoặc 2021.
Kinh nghiệm từ các quốc gia trước đây như Pakistan, Kuwait, Qatar, Indonesia, UAE, khi hoàn thành 9 tiêu chí của FTSE Russell sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai. Với việc đáp ứng 7 tiêu chí, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến rất sát đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai.
Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi rước năm 2025 đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lí trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Mặc dù đánh giá còn nhiều thách thức, nhà đầu tư cùng chờ đợi kết quả đánh giá của FTSE Russell cuối tháng này với những cập nhật mới nhất về thị trường chứng khoán Việt Nam.
MSCI đánh giá khắt khe hơn, FTSE Russell đánh giá nâng hạng là mục tiêu trước mắt
Sáng 26/6, Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo đó, Việt Nam tiếp tục không lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI. So với FTSE Russell, các tiêu chí đánh giá nâng hạng của MSCI được đánh giá khắt khe hơn. Do đó, việc FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai sẽ khả thi hơn đối với TTCK Việt Nam trong tương lai gần.