Câu chuyện dài lên thị trường mới nổi: 'Không thể lên hạng bằng mọi giá, lên hạng bằng mọi giá cũng khó'
Câu chuyện dài: Nâng hạng lên thị trường mới nổi
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE Russell. Với MSCI, TTCK Việt Nam vẫn đang trong nhóm thị trường cận biên và chưa nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng.
Từng được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi vào tháng 9/2018, TTCK Việt Nam đón nhận thông tin không mấy tích cực khi bị đánh giá tụt lùi ở ba tiêu chí gồm Tỉ lệ các giao dịch thất bại hiếm, Lưu ký: Quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho NĐT quốc tế và Giao dịch ngoại hối trong kì đánh giá tháng 3 năm nay.
Điều này cho thấy rằng chặng đường để được nâng hạng lên thị trường mới nổi của TTCK vẫn còn dài phía trước.
Trở lại câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam, đây không phải chủ đề mới. Thời điểm năm 2014, tổ chức MSCI đánh giá Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để chính thức được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi, còn rất nhiều việc phải làm.
Sau 6 năm, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam được đưa ra mốc rõ ràng là trước năm 2025, thể hiện tại Quyết định số 242 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" ban tháng 2 năm nay. Như vậy, TTCK Việt Nam còn 5 năm nữa để thực hiện mục tiêu trên.
Nói về thực trạng hiện nay của TTCK Việt Nam trong tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, điểm nghẽn chính là tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room).
"Một số NĐT cũng nói muốn đầu tư vào nhưng một số doanh nghiệp hiện nay đã hết "room". Hoặc một số ngành khác bị hạn chế về tỉ lệ sở hữu như ngân hàng. Thực ra đó là nhu cầu của NĐT nước ngoài để Việt Nam mở cửa hơn nữa", Phó Chủ tịch UBCK cho biết.
"Ngoài ra, còn một số vấn đề khác liên quan đến định tính nhiều hơn. Còn những yếu tố định lượng như quy mô thị trường, doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ USD thì cơ bản Việt Nam đã đáp ứng được, kể cả các vấn đề chuẩn mực kế toán và kiểm toán cũng không phải vấn đề lớn.
NĐT nước ngoài thắc mắc tại sao giao dịch tại Việt Nam phải đảm bảo 100% tiền vào chứng khoán. Người ta muốn bỏ quy định đó, giả sử ngày T+2 nộp tiền vào là được. Đó là những yêu cầu. Tôi đã làm việc với họ và có một số nguyên tắc chúng ta không bỏ được", ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ thêm.
Cụ thể hơn về câu chuyện room khối ngoại, "đây không phải câu chuyện mà một mình UBCK có thể làm được. Room liên quan đến nhiều bộ ngành khác và mỗi bộ ngành có lĩnh vực riêng. Và các rào cản về room đối với NĐT nước ngoài, ngoại trừ các cam kết WTO, CPTPP phải thực thi, còn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên có hạn chế room", Phó Chủ tịch UBCK đánh giá thực trạng.
Mặc dù còn nhiều thách thức trong vấn đề nâng hạng lên thị trường mới nổi, từ góc độ cơ quan quản lí thị trường, Phó Chủ tịch UBCKNN cho quan điểm: "Nâng hạng là một cái tốt. Nhưng khi mình không đảm bảo và để xuống hạng thì chậm chí còn gay go hơn.
Quan điểm của chúng tôi là nâng hạng hay xuống hạng phải đảm bảo kết cấu thị trường phải bền vững, chúng ta có một khung pháp lí tốt, nền tảng thị trường tốt. Còn việc nâng hạng hay không, sau này xét. Không thể lên hạng bằng mọi giá, lên hạng bằng mọi giá cũng khó vì đó là quan điểm đầu tư của từng nhóm các nhà đầu tư."
Không có nghĩa là hạng thấp là không đảm bảo tiêu chuẩn, nó không như hạng bóng đá, ông Sơn đánh giá.
Nói về kế hoạch tương lai trong chặng đường nâng hạng lên thị trường mới nổi, Phó Chủ tịch UBCK cho hay: "Chúng tôi vẫn đang cố. Hàng năm, đến kì 6 tháng, người ta đều có xem xét lại thì chúng tôi sẽ có những kiến nghị. Sắp tới sẽ có bên World Bank giúp chúng ta một đề án về vấn đề nâng hạng.
Đề án này không chỉ riêng UBCK mà các bộ ngành cũng phải ngồi vào. Một UBCK không thể xử lí được vấn đề nâng hạng. Như tôi nói vì nó còn liên quan đến nhiều bộ ngành khác".