|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank: Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020

17:11 | 30/07/2020
Chia sẻ
Theo nhận định của bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vào ngày 30/7, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% trong năm nay, phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021.

Phát biểu tại buổi họp trực tuyến Công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế xã hội tháng 7/2020 vào ngày 30/7, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8% trong năm nay.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP Việt Nam dự báo sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Bà cũng khẳng định Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020.

World Bank: Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020 - Ảnh 1.

Bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ trực tuyến vào ngày 30/7 (Ảnh: Chụp màn hình).

Đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn đối với cả y tế và kinh tế toàn cầu. Chính phủ nhiều quốc gia đã phải lựa chọn giữa việc cứu sống nhân mạng hay tiếp tục hoạt động kinh tế. 

"Trong lúc hầu hết các quốc gia còn do dự giữa các quyết định thì Việt Nam đã có các biện pháp ứng phó kịp thời, theo dõi xét nghiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, và có chiến lược truyền thông sáng tạo", bà Stallmeister nói.

Tuy có đường biên giới lớn với quốc gia được coi là trung tâm dịch bệnh, nhưng Việt Nam có tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng khá hạn chế. Tính tới 9h ngày 30/7, số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam là 459 người và chưa ghi nhận ca tử vong kể từ đầu mùa dịch.

Bà Stallmeister khẳng định Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch khi chưa có vắc xin phòng ngừa. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia.

Đại dịch cũng gây khó khăn về kinh tế cho nhiều người. Theo chính phủ ước tính có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương với một nửa lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, và trong đó có khoảng 8 triệu người bị mất việc làm.

Các chính sách giãn cách xã hội nói chung đã được nới lỏng từ cuối tháng 4 đã giúp sức cho nhiều hoạt động kinh tế trong nước bao gồm các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên các ngành nghề chủ đạo vẫn phải chịu bất an về tài chính như vận tải hàng không, du lịch, chế tạo, chế biến xuất khẩu.

World Bank: Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020 - Ảnh 2.

Công nhân Xí nghiệp may 1, Công ty May Chiến Thắng sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân).

Theo ý kiến từ các chuyên gia của WB, Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường như cũ, mà cần phải xác định trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

Việt Nam đang vận động trong một thế giới đầy bất định, cả ở trong nước và ngoài nước trong thời gian tới. WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia gồm sức cầu ở nước ngoài và cầu trong nước đang bị yếu đi.

Từ quan điểm trên, WB đưa ra nhận định rằng chính phủ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng kết hợp bao gồm việc thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa, hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xã hội.

Bên cạnh đó, COVID-19 đã tác động tới hầu hết mọi người nhưng mức ảnh hưởng không giống nhau, bất bình đẳng mới nảy sinh, và vì vậy rất cần có sự quan tâm của chính phủ, phía đại diện WB phân tích.

Xét trên góc độ lạc quan, WB tin tưởng Việt Nam là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tạo một dấu ấn trong kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước, chuyển đổi số, quản lí tài nguyên bền vững.

"Trong nguy luôn có cơ, tôi hi vong rằng cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước nếu được quản lí tốt. Việt Nam sẽ thịnh vượng và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, để làm được điều này tất yếu phải có sự gian lao", bà Stefanie Stallmeister nói.

Tường Vy