|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR đưa hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020

21:35 | 21/07/2020
Chia sẻ
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là một số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong quí II/2020.

Tăng trưởng ở một số ngành kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quí II và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong quí II/2020, mức tăng trưởng ở khu vực dịch vụ giảm 1,76% so với cùng kì năm ngoái nhưng tăng 9,59% so với quí trước. 

Do kết thúc giãn cách xã hội, mặc dù còn một số hoạt động dịch vụ chưa được phép mở cửa trở lại nhưng ngành dịch vụ đã phục hồi tương đối và đạt được mức tăng trưởng tốt so với quí trước.

Tuy nhiên số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong quí II với 57.000 lượt người, chỉ bằng 1,4% so với cùng kì năm trước do việc hoãn ngưng các chuyến bay quốc tế.

Trong khi đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 1,72% so với cùng kì năm ngoái. Dịch tả lợn châu Phi, hạn mặn khiến sản lượng nông nghiệp không tăng nhiều. Ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do vẫn chưa gỡ được thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Hoạt động xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch COVID-19.

Mức tăng tưởng ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38% so với cùng kì năm ngoái, trong đó ngành khai khoáng và ngành sản xuất và phân phối điện thu hẹp hơn. COVID-19 bùng phát toàn cầu, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn. 

Việt Nam là một số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong Quí 2/2020 - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quí 2 và sáu tháng đầu năm 2020" (Ảnh: VEPR)

Dù vậy, hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ đã có những tín hiệu khởi sắc trở lại. Theo VEPR, việc kết thúc giãn cách xã hội cùng chỉ thị thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa của Chính Phủ đã có ảnh hưởng tích cực đến hành vi mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và sử dụng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình của người dân. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 431 nghìn tỉ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng năm trước.

Hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế năm 2020

Dự báo về tăng trưởng kinh tế cả năm 2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra hai kịch bản. Với kịch bản cơ sở (khả năng cao), bệnh dịch không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. 

Tuy nhiên bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quí III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%.

Còn với kịch bản bất lợi (khả năng thấp), bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quí IV/2020. 

Dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.

Như Ngọc