|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ còn ốm yếu, kinh tế thế giới chưa thể khỏe lại

16:28 | 21/07/2020
Chia sẻ
Khi Mỹ hắt hơi, thế giới cũng bị cảm lạnh. Vậy điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế thế giới khi nước Mỹ còn đang gánh chịu thiệt hại khủng khiếp do đại dịch COVID-19 gây ra?
Mỹ còn hắt hơi, thế giới chưa vơi nỗi lo - Ảnh 1.

Người dân Mỹ còn bận tranh cãi ở những vấn đề đơn giản như đeo khẩu trang. (Ảnh minh họa: AP)

Năm 2018, khi đà tăng trưởng kinh tế kéo dài cả thập kỉ gần chấm dứt, chính nước Mỹ đã kéo thế giới đi lên nhờ dòng tiền dồi dào từ chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu ngân sách chính phủ lưu thông xuyên suốt thị trường tài chính trong nước và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu Mỹ từng là đầu tàu đưa thế giới lên tầm cao mới, thì cũng chính chiến lược của Washington đang đe dọa nhấn chìm thế giới lúc này, khi mà phản ứng chống dịch giật cục và thiếu tập trung của chính quyền Tổng thống Trump đang là một rủi ro lớn đến khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Reuters cho biết, các quan chức từ Mexico đến Nhật Bản đều đang phập phồng lo lắng. Hoạt động xuất khẩu của Đức đã bị ảnh hưởng, còn Canada hướng về Mỹ một cách thận trọng vì chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau biết rõ bất kì cú đánh nào vào tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền đến Canada.

Trong một đánh giá về nền kinh tế Mỹ, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay: "Khó khăn còn bao trùm thế giới thêm nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa và điều đó đặc biệt đáng lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tiếp tục tăng lên".

"Rủi ro trước mắt là một phần lớn dân số Mỹ sẽ phải chấp nhận mức sống và thu nhập suy giảm đáng kể trong vài năm tới. Đồng thời, nhu cầu hàng hóa cũng sẽ yếu đi và làm trầm trọng thêm những khó khăn dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ".

Đánh giá của IMF phần nào phản ánh một loạt sự thật nghiệt ngã về nước Mỹ. Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết hỗ trợ khoảng 3.000 tỉ USD để củng cố nền kinh tế và bù đắp thiệt hại của lệnh phong tỏa vào tháng 4 và tháng 5, đại dịch COVID-19 ở Mỹ lại tiếp tục leo thang, liên tục phá kỉ lục trong khi các chương trình hỗ trợ sắp hết hạn.

Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, hiện có hơn 3,8 triệu người Mỹ xác nhận nhiễm COVID-19 và hơn 141.000 người tử vong. Kể từ giữa tháng 5, số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng gấp ba lên hơn 70.000 và tỉ lệ tử vong trung bình 7 ngày sau khi giảm dần trong giai đoạn tháng 4 - 7 đã tăng trở lại.

Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nước Mỹ lại bị chia rẽ vì các vấn đề như đeo khẩu trang dù nhiều nơi khác trên thế giới dễ dàng chấp nhận biện pháp này.

Khi một số bang quan trọng như Texas và California phải áp lệnh phong tỏa trở lại, các nhà phân tích lưu ý nền kinh tế Mỹ vẫn còn 13,3 triệu việc làm bị mất trong tháng 2, nhiều khả năng gây cản trở quá trình phục hồi của nước này.

Mỹ còn ho, thế giới chưa thể hết lo

Chưa xử lí xong đại dịch và suy thoái kinh tế, đôi vai của các cường quốc kinh tế khác lại nặng thêm vì vấn đề của nước Mỹ.

Theo Reuters, Mỹ hiện chiếm khoảng 25% GDP của thế giới. Nước Mỹ mất hàng triệu việc làm, chi tiêu người tiêu dùng sẽ đi xuống, đồng nghĩa rằng nhập khẩu cũng giảm theo. Các điều kiện kinh tế yếu cũng dẫn đến việc Mỹ đầu tư ít hơn vào thiết bị hoặc hàng hóa do các nước khác sản xuất.

So với cùng kì năm ngoái, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 của Mỹ đã giảm hơn 13%, tương đương 176 tỉ USD.

Ở Đức - quốc gia được coi là có các biện pháp ngăn chặn đại dịch hiệu quả nhất, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm 36% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu ô tô sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm cũng giảm gần 24% so với cùng kì năm 2019. Các nhà phân tích không nhận thấy số liệu có thể cải thiện trong thời gian tới.

Ông Gabriel Felbermayr - Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel (trụ sở tại Đức), bình luận: "Tình hình hiện nay thật đáng thất vọng". Ông Felbermayr còn nói các ca bệnh tăng vọt tại Mỹ là điều nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia.

Tại Nhật Bản, tốc độ phục hồi cũng gắn chặt với khả năng thành bại của Mỹ trong kiểm soát đại dịch.

"Quá trình phục hồi của Nhật Bản sẽ thực sự bị trì hoãn nếu đại dịch tiếp tục lây lan ở Mỹ và kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của nhiều nước châu Á không tăng trưởng", ông Hideo Kumnao - cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và hiện là nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, cho hay.

Hai láng giềng của Mỹ canh cánh nỗi lo

IMF dự đoán GDP của Mỹ giảm 6,6% trong năm nay, phù hợp với dự báo của nhiều nhà phân tích khác.

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán GDP của Mỹ sẽ giảm 8,1% trong năm 2020. Dự báo này từng được hạ xuống một lần trước đó khi sức khỏe của nền kinh tế Mỹ suy yếu hơn.

Nếu Mỹ suy sụp thêm, Canada sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp vì khoảng 3/4 kim ngạch xuất khẩu của nước này đều tập trung về Mỹ.

Ở biên giới phía nam của Mỹ, Mexico cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỉ lục, tuy nhiên Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã nhiều lần chuyển hướng chỉ trích của công chúng đối với chính phủ của ông bằng cách chỉ ra số liệu dịch bệnh của Mỹ.

Tổng thống Mexico hi vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (có hiệu lực vào ngày 1/7) sẽ thúc đầy doanh nghiệp và đầu tư giữa ba nước nhưng tâm lí u ám ngày càng lớn dần.

Yên Khê