|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao Tổng thống Trump tự làm hại chiến dịch tái tranh cử của mình?

12:21 | 06/07/2020
Chia sẻ
Đại dịch tái bùng phát dữ dội ở hàng loạt bang trên khắp nước Mỹ khiến số ca nhiễm mới trong ngày liên tục phá kỉ lục và đẩy nền kinh tế Mỹ chìm sâu vào khủng hoảng. Tổng thống Trump dường như lại không muốn "chữa cháy" để cứu vớt nhiệm kì hai mà còn làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Có thể Tổng thống Trump đang không muốn có nhiệm kì hai - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Khi ông Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, có nhiều bằng chứng cho thấy giống như hầu hết mọi người, ông Trump chưa bao giờ thực sự nghĩ ông sẽ được bầu. Bất kể thắng thua, chiến dịch tranh cử sẽ là một mẩu quảng cáo tuyệt vời cho đế chế kinh doanh của gia đình ông Trump và mở ra cơ hội cấp phép thương hiệu mới.

Tuy nhiên, hiện nay ông Trump đang tranh cử nhiệm kì hai, lẽ ra ông chủ Nhà Trắng phải dốc hết sức để giữ lấy chiếc ghế quyền lực, tương tự như nhiều tổng thống Mỹ khác.

Tuy nhiên, tại sao Tổng thống Trump lại tỏ vẻ không muốn chiến thắng cuộc tranh cử lần này?

Theo The Washington Post, ba mối đe dọa lớn nhất với cơ hội tái đắc cử của ông Trump là đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế tồi tệ của nước Mỹ và Đảng Dân chủ luôn muốn ông Trump mất chức.

Trong cả ba vấn đề trên, Tổng thống Trump chẳng những không hành động theo hướng giúp bản thân giành chiến thắng mà còn chủ động khiến tình hình xấu đi, The Washington Post phân tích. Các quyết định của ông Trump về cơ bản đều tồi tệ, khiến nhiều người dân Mỹ thiệt mạng và gây ra thêm bất ổn chính trị.

Tuy nhiên, ngay cả khi xét từ lợi ích cá nhân của ông Trump, các quyết định trên cũng có vẻ rất khó hiểu, The Washington Post nhận định.

Khiến cho đại dịch bi kịch hơn

Hôm 2/7, The Washington Post đưa tin Mỹ báo cáo tổng cộng 55.220 ca nhiễm mới, vượt qua kỉ lục một ngày trước đó là 52.789 ca và cũng là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ.

Đến hôm 5/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố số liệu thống kê cho thấy trong 24h tính đến tối 4/7, toàn nước Mỹ có thêm 53.213 ca xác nhận nhiễm mới.

Mặc dù số ca xác nhận nhiễm mới ở một số bang đang trong chiều hướng giảm, các bang khác mà đơn cử là Florida, Texas và Arizona, lại báo cáo số ca bệnh mới cao đột biến.

Dường như không phải trùng hợp khi mà nhiều bang tích cực nới lỏng phong tỏa, dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội và hủy yêu cầu đeo khẩu trang lại ghi nhận mức tăng cao nhất. Cũng tại những bang này, các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa cũng rất muốn chấm dứt lệnh giãn cách xã hội.

Vậy nhưng bản thân ông Trump đã gần như hoàn toàn từ bỏ việc chỉ đạo phản ứng chống dịch của chính phủ liên bang, như thể ông mệt mỏi khi nghe về đại dịch và muốn tập trung vào mục tiêu khác.

Vấn đề đã đủ tồi tệ nhưng ông Trump còn tích cực khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn.

Không chỉ từ chối đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ông Trump còn tạo thêm tranh cãi xoay quanh ý tưởng đeo khẩu trang. Giờ đây ai trung thành với ông Trump có lẽ sẽ không đeo khẩu trang, The Washington Post viết.

Hồi giữa tháng 6, ông Trump đã tổ chức một sự kiện tranh cử ở thành phố Tulsa (bang Oklahoma). Sự kiện này dự kiến đón 19.000 người vào một sân vận động trong nhà nhưng thực tế chỉ 6.200 người xuất hiện và chỉ một phần nhỏ đeo khẩu trang.

Có lẽ gây bàng hoàng nhất trong các quyết định của ông Trump chính là việc chính phủ liên bang đang rút bớt hỗ trợ cho các điểm xét nghiệm COVID-19 trên khắp nước Mỹ vì Tổng thống Mỹ cho rằng xét nghiệm càng nhiều, số ca nhiễm càng tăng lên.

Ngăn nền kinh tế Mỹ phục hồi

Kể từ khi đại dịch đẩy nền kinh tế Mỹ vào khủng hoảng, ông Trump và Đảng Cộng hòa đã từ chối sử dụng toàn bộ quyền lực của chính phủ liên bang để giúp nền kinh tế phục hồi, theo The Washington Post.

Trong khi Đảng Dân chủ kêu gọi Washington kích thích kinh tế lớn và mạnh hơn, ông Trump và Đảng Cộng hòa lại đàm phán hạ qui mô cứu trợ xuống.

Hiện tại, Đảng Dân chủ đang ủng hộ phát thêm tiền mặt cho người dân, gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp trị giá 600 USD/tuần (dự kiến hết hạn vào cuối tháng 7 này) đến tháng 1/2021 cũng như hỗ trợ các bang và địa phương phục hồi ngân sách đã bị hao mòn nhiều trong đại dịch.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại phản đối gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp vì ông cho rằng người dân Mỹ sẽ mất động lực đi làm.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 1/7, ông Trump nói: "Người dân Mỹ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng trợ cấp cũng khiến họ không muốn đi làm. Chúng tôi muốn tạo ra động lực lớn để người dân đi làm".

CNBC đưa tin, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng phản đối việc gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp, lập luận rằng chính sách này sẽ cản trở người lao động quay lại làm việc.

Trong khi đó, nếu tính gộp những người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp với số đã nộp đơn nhưng chưa được hỗ trợ, nước Mỹ có tổng cộng 33 triệu người thất nghiệp, tương đương 1/5 lực lượng lao động Mỹ.

Trong tuần kết thúc vào ngày 27/6, Bộ Lao động Mỹ lại báo cáo thêm 1,48 triệu người đăng kí nhận trợ cấp thất nghiệp mới, đánh dấu tuần thứ 15 liên tiếp số đơn xin nhận phúc lợi thất nghiệp trên 1 triệu.

Nếu ông Trump nghiêm túc hơn trong việc củng cố nền kinh tế Mỹ, thì chỉ cần vì lợi ích cá nhân thuần túy, đáng lẽ ông Trump đã đồng ý rót hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới để giảm bớt suy thoái. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại chần chừ.

Phản đối bỏ phiếu qua thư

Giới quan sát đang đổ dồn sự chú ý đến việc ông Trump phản đối phương án bỏ phiếu qua thư. Ông Trump lập luận rằng nhiều người sẽ gian lận và đây là một cách mà Đảng Dân chủ sắp đặt để chống lại ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump khẳng định việc bỏ phiếu qua thư là mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn hệ thống luật pháp Mỹ, do đó ông Trump kêu gọi các cử không chấp nhận kết quả một cuộc bầu cử mà ông không giành chiến thắng.

Tuy nhiên, vấn đề chưa được bàn luận nhiều là thái độ phản đối của ông Trump với việc bỏ phiếu qua thư đang cho thấy ông có nhiều khả năng thua cử hơn. Theo The Washington Post, các cuộc bầu cử sơ bộ cho đến nay cho thấy cử tri đang có nhu cầu bỏ phiếu qua thư lớn vì nhiều người ngại đến các cuộc thăm dò giữa đại dịch.

Trong quá khứ, bỏ phiếu qua thư không mang lại lợi ích cho đảng nào. Tuy nhiên, điều đó có thể không đúng trong năm nay, tất cả là vì ông Trump. Đảng Dân chủ hiện không chỉ xem việc bỏ phiếu qua thư dễ dàng và thuận tiện hơn mà còn là cách để tấn công ông Trump.

Trong khi đó, ông Trump lại đang ngăn cản Đảng Cộng hòa bỏ phiếu qua thư. Nếu nghe theo ông Trump, các cử tri Đảng Cộng hòa sẽ phải đến các cuộc thăm dò, chờ đợi theo hàng dài hoặc khổ sở vì thời tiết hoặc đại dịch COVID-19.

Ông Trump đã dành cả đời để không bị coi là kẻ thua cuộc. Nhưng khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng trước cuộc bỏ phiếu tổng thống Mỹ, ông Trump có thể trở thành một trong những kẻ thua cuộc thảm hại nhất lịch sử nước Mỹ. Trong 100 năm qua, chỉ có ba tổng thống Mỹ thất bại trong chiến dịch tái tranh cử và ông Trump có thể trở thành người thứ 4.

Khả Nhân