Việc làm mới của Mỹ cao kỉ lục: Ông Trump thấy nắng ấm, đối thủ Biden nói giông bão còn nhiều
Tổng thống Trump: "Chúng ta đã xử lí được khủng hoảng"
Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 6, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận thêm 4,8 triệu việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp cải thiện từ mức 13,3% trong tháng 5 xuống còn 11,1% trong tháng 6 vì nhiều người lao động mất việc do COVID-19 đã được gọi quay trở lại làm việc.
Khi Đảng Cộng hòa ca ngợi đây là mức tăng trưởng việc làm trong một tháng lớn nhất từ trước đến nay, Đảng Dân chủ lại cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở một trong các mốc tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng (1929 - 1930).
Cả hai nhận định trên đều đúng, AP cho biết.
Dù lưỡng đảng của Mỹ đều cố sức dùng số liệu việc làm tháng 6 làm lợi thế cho mình, cả hai bên đều phải đối mặt với những rủi ro chính trị to lớn trong quá trình điều hướng một vấn đề nhạy cảm và mang tính quyết định như việc làm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Đảng Dân chủ, dẫn đầu bởi ứng cử viên Joe Biden, đã nhanh chóng nắm lấy mối đe dọa ngày càng lớn từ đại dịch COVID-19 sau khi báo cáo việc làm tháng 6 được công bố. Đảng Cộng hòa gọi lập trường này là chống lại sự phục hồi của nước Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại tuyên bố số liệu việc làm tháng 6 là một thắng lợi kinh tế lớn và hạ thấp mối đe dọa từ đại dịch, ngay cả khi số ca nhiễm mới liên tục tăng vọt và có thể làm đình trệ, hoặc đảo ngược, chiến thắng kinh tế đó.
AP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo tương lai còn nhiều bất ổn, dù số liệu việc làm đã tăng kỉ lục trong hai tháng vừa qua.
Và khi chỉ còn thêm hai bản báo cáo việc làm dự kiến được công bố trước thềm cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11, tầm nhìn của lưỡng đảng về nền kinh tế Mỹ góp phần xây dựng một khung mới cho cuộc tranh luận giữa hai ứng viên - ông Trump và ông Biden.
Tại Nhà Trắng, sau khi báo cáo việc làm tháng 6 được công bố, ông Trump vui mừng nói: "Số liệu mới hôm nay chứng minh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi ngoạn mục. Chúng ta đang xử lí được khủng hoảng".
Đối thủ Biden bóc trần những góc tối ông Trump chưa kể
Hai giờ sau tuyên bố của ông Trump, ông Biden lại đưa ra một đánh giá bi quan hơn.
"Trên thực tế, báo cáo việc làm tháng 6 là một tin tích cực và tôi thấy rất mừng", ông Biden nói tiếp. "Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn, chúng ta vẫn đang lún sâu trong một cuộc khủng hoảng việc làm vì ông Donald Trump chống đại dịch giật cục và không hiệu quả".
Dù cải thiện đáng kể trong tháng 6, số liệu việc làm mới nhất lại được công bố ngay khi Mỹ xác nhận số ca nhiễm COVID-19 mới theo ngày cao kỉ lục, trung bình khoảng 50.700 ca bệnh mới/ngày tức tăng gấp đôi trong tháng qua, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Các ca bệnh mới tập trung chủ yếu ở miền Nam và miền Tây nước Mỹ, khiến nhiều bang như California, Texas, Arizona và Florida phải phong tỏa hoặc đóng cửa trở lại các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, .... Do đó, người lao động lại mất việc lần thứ hai và những tổn thất này sẽ xuất hiện trong báo cáo việc làm tháng tới.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump tin rằng không có gì quan trọng với cơ hội tái đắc cử của ông hơn sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Khi nhiều người dân cho rằng nước Mỹ đang đi sai hướng dưới sự lãnh đạo của ông Trump, nhóm tranh cử của ông có rất nhiều việc phải làm.
Hiện tại, tỉ lệ tín nhiệm của người dân Mỹ dành cho Tổng thống Trump vẫn mạnh nhất ở khía cạnh kinh tế, tương tự như trong suốt nhiệm kì của ông Trump. Theo cuộc thăm dò mà AP/Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Cộng đồng NORC thực hiện tháng trước, khoảng 50% người dân Mỹ ủng hộ cách ông Trump quản lí nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm 2/7, ông Justin Wolfers - giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, cho biết số liệu việc làm tháng 6 xác nhận rằng nền kinh tế Mỹ hiện đã "nhích nhẹ" ra khỏi "một cái hố kinh tế khổng lồ".
"Bạn chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ là sẽ thấy thực tế đang thật nghiệt ngã", ông Wolfers nói. "Ngay bây giờ, điều quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế Mỹ là diễn biến đại dịch COVID-19".
Ông Michael Straine - giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết đại dịch tiếp tục là "mối đe dọa tiềm tàng lớn" đối với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi nhiều tin tức mới cho thấy hệ thống bệnh viên tại một số bang đang dần đạt đến công suất tối đa.
Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, ông Strain đang khó hiểu trước thái độ phản đối rõ ràng từ ông Trump đối với kế hoạch bơm thêm một gói kích thích lớn vào "nền kinh tế đang khá mong manh của nước Mỹ" mà lưỡng đảng đề xuất.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business hôm 1/7, ông Trump cho hay ông ủng hộ phát thêm tiền mặt cho người dân chi tiêu, tuy nhiên ông không đồng ý gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần vì ông cho rằng chính sách này khiến người lao động lười đi làm.
Ở diễn biến khác, đối thủ Joe Biden vẫn chưa đưa ra một kế hoạch việc làm cụ thể. Chiến dịch tranh cử của cựu Phó Tổng thống này hôm 2/7 cho biết sẽ sớm công bố kế hoạch trong vài tuần tới.
Ông Jared Bernstein - cố vấn kinh tế của ông Biden, khuyến khích Quốc hội thông qua một đợt kích thích tài khóa mới cho người Mỹ thất nghiệp ngay lập tức. Vị cố vấn này dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ chững lại đáng kể trong những tháng tới vì chính quyền ông Trump không có khả năng ngăn chặn đại dịch.