Thị trường Lemon (Lemon markets) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Medium Corporation)
Thị trường Lemon (Lemon markets)
Thị trường Lemon - danh từ, tiếng Anh có thể dùng bởi cụm từ Lemon markets hoặc Market for Lemons.
Thị trường Lemon (hay còn gọi là học thuyết Lemon) là lí luận kinh tế học đề cập đến hiện tượng người mua do thiếu thông tin về các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nên đã mua phải hàng hóa và dịch vụ chất lượng kém. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Thị trường Lemon và liên hệ thực tiễn về câu chuyện ô tô
Để hiểu được vấn đề về thị trường Lemon, chúng ta nghiên cứu trường hợp thị trường xe hơi đã qua sử dụng, từ đó liên hệ với tình huống trên thị trường tài chính.
Một thực tế là, hầu hết những người có nhu cầu mua xe hơi đã qua sử dụng thường không có khả năng đánh giá chính xác chất lượng những chiếc xe được đem ra bán, nghĩa là họ không thể nhận biết được trong số những chiếc xe đem bán, chiếc nào còn chạy tốt, chiếc nào không chạy tốt.
Trong khi đó, người mua thường phải trả mức giá là giá trung bình phổ biến trên thị trường, tức là nằm ở giữa giá của những chiếc xe có chất lượng kém với giá của những chiếc xe có chất lượng tốt.
Đối với người bán thì ngược lại, họ thường biết rõ về chiếc xe của mình đem bán là đang còn chạy tốt hay đã kém chất lượng. Nếu đó là xe chất lượng kém, họ sẽ vui mừng khi bán được với giá trung bình của thị trường, tức giá bán được sẽ cao hơn giá trị của chiếc xe đem bán.
Nhưng, nếu chiếc xe đem bán có chất lượng tốt, thì người bán biết rõ rằng chiếc xe của mình đang bị định giá thấp hơn so với giá mà người mua muốn trả, do đó, người bán sẽ không muốn bán chiếc xe của mình nữa.
Kết quả của việc lựa chọn đối nghịch dẫn đến chỉ có rất ít xe qua sử dụng có chất lượng tốt được đem ra để bán; trong khi đó, những chiếc xe được đem ra bán lại có chất lượng dưới mức trung bình, dẫn đến rất ít người muốn mua, làm cho số lượt giao dịch giảm. Hoạt động của thị trường xe hơi qua sử dụng vì thế mà không hiệu quả.
Thị trường Lemon trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu
Đối với thị trường cổ phiếu
Giả sử bạn là nhà đầu tư đang muốn mua cổ phiếu thường, nhưng lại không thể phân biệt được công ty nào có triển vọng lãi cao và rủi ro thấp, công ty nào sẽ làm ăn khó khăn và rủi ro cao. Trong tình thế như vậy, bạn sẽ sẵn sàng chỉ trả mức giá mà nó phản ánh đúng giá trị của những công ty tốt và những công ty xấu.
Do người chủ sở hữu hay nhà quản lí công ty có được thông tin tốt hơn bạn, và bạn biết rõ là công ty của mình đang làm ăn tốt, và cổ phiếu của công ty đang bị định giá thấp, nên họ sẽ không sẵn sàng bán cổ phiếu tại mức giá trung bình của thị trường như bạn mong muốn.
Và cuối cùng, thì chỉ có những công ty xấu là luôn mong muốn bán được cổ phiếu của mình, vì họ biết rằng cổ phiếu của họ đang được định giá cao. Tuy nhiên, bạn không phải là người khờ dại, nên bạn không muốn nắm giữ cổ phiếu của những công ty tồi, và bạn sẽ quyết định không đầu tư vào cổ phiếu nữa.
Kết quả là rất ít giao dịch mua bán cổ phiếu được thực hiện, dẫn đến hoạt động của thị trường cổ phiếu trở nên kém hiệu quả.
Đối với thị trường trái phiếu
Phân tích trong trường hợp tương tự bạn muốn đầu tư vào trái phiếu của công ty. Bạn chỉ mua trái phiếu khi lãi suất đủ cao để bù đắp được mức rủi ro vỡ nợ trung bình của các công ty phát hành trái phiếu.
Công ty làm ăn tốt nhận thấy rằng họ phải trả mức lãi suất cao hơn so với uy tín và chất lượng của mình, do đó, họ sẽ không sẵn sàng phát hành trái phiếu nữa. Ngược lại, các công ty làm ăn kém lại luôn sẵn sàng phát hành trái phiếu, nhưng những nhà đầu tư lại không sẵn sàng mua chúng.
Kết quả là rất ít trái phiếu được phát hành, làm giảm nguồn tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)