|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thị trường độc quyền thuần túy (Pure Monopolistic Market) là gì? Đặc điểm và nguyên nhân

01:45 | 20/10/2019
Chia sẻ
Thị trường độc quyền thuần túy (tiếng Anh: Pure Monopolistic Market) là thị trường mà chỉ có một người duy nhất sản xuất và cung ứng một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó cho nhiều người tiêu dùng.
Thị trường độc quyền thuần túy (Pure Monopolistic Market) là gì? Đặc điểm và nguyên nhân - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn ảnh Wallpick – Best wallpapers 4K)

Thị trường độc quyền thuần túy (Pure Monopolistic Market)

Thị trường độc quyền thuần túy trong tiếng Anh gọi là Pure Monopolistic Market.

Thị trường độc quyền thuần túy (còn được gọi là thị trường độc quyền một người, độc quyền đơn phương hay độc quyền bán) là thị trường mà chỉ có một người duy nhất sản xuất và cung ứng một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó cho nhiều người tiêu dùng (người có nhu cầu).

Ví dụ độc quyền cung ứng năng lượng điện, độc quyền cung ứng dịch vụ điện thoại và thông tin viễn thông…

Đặc điểm cơ bản của thị trường thuần túy

Thị trường độc quyền thuần túy có những đặc điểm cơ bản là:

- Chỉ có một người bán duy nhất (nhà độc quyền) và nhiều người mua;

- Sự cân bằng thị trường và cân bằng cá nhân của người cung ứng không diễn ra như trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo (cũng như trong điều kiện cạnh tranh không hoàn hảo);

- Đường cầu thị trường trùng với đường giá (đường tiêu thụ) của nhà độc quyền;

- Nhà độc quyền có đối thủ cạnh tranh hiện thời nên thế lực thị trường của nó rất mạnh. Có thể đặt ra chính sách giá hay chính sách khối lượng sản xuất và cung ứng tối ưu của mình.

Nguyên nhân để một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp độc quyền bán trên thị trường

Có nhiều nguyên nhân để một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp độc quyền bán trên thị trường, một số nguyên nhân cơ bản là:

- Doanh nghiệp đạt được tính kinh tế của quy mô

Một doanh nghiệp đạt được tình kinh tế của quy mô là doanh nghiệp có sản lượng sản xuất đặt ở mức mà chi phí bình quân dài hạn (LAC) của doanh nghiệp cực tiểu đồng thời mức sản lượng đó đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khi doanh nghiệp đạt được tính kinh tế của quy mô có khả năng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh để trở thành người sản xuất và cung ứng duy nhất trên thị trường.

- Doanh nghiệp có phát minh sáng chế được luật pháp bảo hộ bản quyền:

Nếu một doanh nghiệp có phát minh sáng chế hay có bản quyền về một sản phẩm hay một quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm nào đó thì doanh nghiệp đó sẽ được pháp luật bảo hộ bản quyền và do vậy sẽ có vị trí độc quyền bán trong một thời gian nhất định.

- Doanh nghiệp có quyền sở hữu một hay một số yếu tố sản xuất:

Nếu một doanh nghiệp có quyền sở hữu đối với một hay một số yếu tố sản xuất dùng để sản xuất ra một sản phẩm nào đó thì cũng có thể trở thành doanh nghiệp độc quyền bán sản phẩm đó trên thị trường.

- Doanh nghiệp độc quyền do nhà nươc quy định:

Một doanh nghiệp có thể trở thành doanh nghiệp độc quyền bán một loại hàng hóa hay dịch vụ nào đó nếu doanh nghiệp ấy là doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước cấp giấy phép sản xuất kinh doanh loại hàng hóa hay dịch vụ ấy.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế học cho Kỹ sư Kinh tế, NXB Xây Dựng)

Đỗ Đức Nhượng