|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thí điểm Grab theo mô hình sandbox: Ngổn ngang nhiều dấu hỏi

11:35 | 03/06/2019
Chia sẻ
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản góp ý với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc nên coi Grab, Uber, Go Việt là những chủ thể độc lập để có mô hình quản lý sandbox (tạo không gian, thời gian cho các mô hình mới hoạt động). Tuy nhiên, “sandbox” có phải câu thần chú kỳ diệu cho mọi vấn đề và mọi câu hỏi đặt ra hay không?
Thí điểm Grab theo mô hình sandbox: Ngổn ngang nhiều dấu hỏi - Ảnh 1.

Từ quan điểm cấp tiến của Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong Công văn số 1485/BTTTT-CNTT trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đề xuất nên coi những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber… là những chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.

Công văn này nhằm góp ý cho Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) do Bộ GTVT xây dựng.

Theo đó, Bộ TT&TT lập luận rằng, đối với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống có 3 chủ thể có vai trò chi phối chính là công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý. Thông qua sự xuất hiện của các đơn vị cung cấp nền tảng như Grab, hoạt động kinh doanh taxi đã xuất hiện thêm chủ thể thứ 4 là đơn vị cung cấp nền tảng. Bộ TT&TT cho rằng, chủ thể thứ 4 này cần được quản lý theo một mô hình mới, “không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống”.

Câu hỏi đặt ra là, mô hình mới này cần và nên như thế nào, do bộ, ngành nào chịu trách nhiệm xây dựng, theo định hướng ra sao? Bởi trong khi chúng ta còn loay hoay xác định “mô hình mới”, thì những nền tảng như Grab đã kịp phát triển và mở rộng ra hàng loạt dịch vụ khác ngoài giao thông vận tải.

Cũng cần xác định rõ, mô hình sandbox này chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành vận tải, hay là bao trùm lên tất cả những lĩnh vực kinh tế khác mà những chủ thể như Grab đang hiện diện, ví dụ như trung gian thanh toán, cho vay tín dụng, nhà hàng, giao hàng nhanh, cổng thông tin giải trí, hay thậm chí là mạng xã hội sơ khai?

Nói cách khác, cơ quan quản lý sẽ cho phép “sandbox” Grab riêng trong lĩnh vực vận tải, hay là cả các ngành nghề khác nữa. Điều đáng lưu ý là một số ngành nghề trong số này, đặc biệt là trung gian thanh toán, cho vay tiêu dùng và cung cấp thông tin là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành.

Liệu câu thần chú “sandbox” có giúp các nhà cung cấp nền tảng như Grab đạt được một cơ chế quản lý riêng dễ thở hơn so với gần 30 trung gian thanh toán nội địa đã được cấp phép, hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thông tin - mạng xã hội Việt Nam hay không?

Nếu câu trả lời là có, tức là kể cả trong những ngành nghề này, Grab vẫn được xem xét như một chủ thể riêng biệt, tách bạch với hành lang pháp lý hiện hành, thì các bộ, ngành sẽ quản lý các nhà cung cấp nền tảng như Grab, Go Việt thế nào?

Cụ thể, trong lĩnh vực cổng thông tin điện tử, nội dung sẽ được đảm bảo và có cơ chế quản lý ra sao, khi mà Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuyên biên giới như Google, YouTube hay Facebook. Trong trường hợp Google, Facebook, YouTube cũng muốn được xem là các chủ thể riêng biệt vì “đem lại nhiều lợi ích mới cho xã hội, thúc đẩy cạnh tranh, chất lượng của các hoạt động kinh tế số” giống như Grab, thì chúng ta sẽ ứng xử ra sao?

… Đến thực tiễn sinh động đáng lo ngại

Trong công văn, Bộ TT&TT khẳng định, cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống, thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi công nghệ.

Song, một thực tế khó phủ nhận là rất nhiều doanh nghiệp truyền thống của Việt Nam đang phải chịu sự “bảo hộ ngược”, tức là chịu rất nhiều ràng buộc, quản lý của quy định hiện hành, trong khi các doanh nghiệp xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài thì hầu như không phải tuân thủ những quy định này, dù hoạt động phát sinh doanh thu khủng tại Việt Nam.

Chấm dứt được tình trạng “bảo hộ ngược” đã là một việc không dễ, chứ chưa nói đến tăng khả năng cạnh tranh cho các mô hình truyền thống ra sao, khi mà luật chơi không giống nhau và cuộc chơi không hề bình đẳng. Chỉ khi nào tất cả các đối thủ đều được chơi cùng một luật chơi, thì khi đó, những mô hình truyền thống may ra mới tăng được khả năng cạnh tranh mà thôi, nhất là khi các mô hình công nghệ xuyên biên giới có ưu thế vượt trội cả về nguồn lực, kinh nghiệm lẫn công nghệ.

Hành lang pháp lý cho doanh nghiệp xuyên biên giới

Tương tự, trong lĩnh vực trung gian thanh toán - một lĩnh vực liên quan mật thiết tới huyết mạch của nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới an ninh tiền tệ quốc gia, nếu tạo ra một cơ chế “sandbox” cho hoạt động xuyên biên giới và chưa có giấy phép rõ ràng của Grab (thông qua thương vụ hợp tác nhiều dấu hỏi với Moca mà Báo Đầu tư từng phản ánh), chúng ta sẽ phải chấp nhận một tiền lệ cho rất nhiều ví nước ngoài xuyên biên giới khác thâm nhập Việt Nam thông qua hình thức này.

Khi đó, cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ chế và công cụ để giám sát dòng tiền luân chuyển xuyên biên giới, ghi nhận thuế, cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ - điều tiết kinh tế vĩ mô hay chưa?

Nếu câu trả lời là chưa có hành lang pháp lý cho mô hình ví xuyên biên giới, thì lúc này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm gì để Grab không trở thành tiền lệ. Được biết, cơ quan này đang soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Một nội dung rất quan trọng của dự thảo này là vấn đề room sở hữu nước ngoài trong các trung gian thanh toán Việt Nam, với tỷ lệ cụ thể còn bỏ ngỏ.

Là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với tầm quan trọng như huyết mạch của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh tiền tệ quốc gia, việc đảm bảo năng lực điều tiết, giám sát và kiểm soát hoạt động của các trung gian thanh toán thông qua quy định về sở hữu nước ngoài là việc làm rất cần thiết. Mức 30% của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện hành là một tỷ lệ tốt để tham chiếu. Hoặc có thể tham khảo trường hợp cụ thể mà một số nước đã áp dụng quy định room tương tự trong lĩnh vực tham chiếu, thí dụ như Indonesia.

Tháng 5/2018, Ngân hàng Trung ương Indonesia quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các trung gian thanh toán không được vượt quá 49%. Cơ quan này cũng từ chối không cấp giấy phép trung gian thanh toán cho GrabPay từ năm 2017. Ngoài GrabPay, một số ví nước ngoài khác như TokoCash (của Tokopedia) hay BukaDompet (của Bukalapak) cũng đều không được cấp phép tại Indonesia.

Để ngăn chặn tình trạng các ví nước ngoài lách luật, mua bán, chuyển nhượng giấy phép trung gian thanh toán, Ngân hàng Trung ương Indonesia quy định rõ giấy phép sẽ có giá trị trong 5 năm và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng mà cung cấp dịch vụ tài chính không được phép thực hiện các hành vi làm thay đổi cổ đông kiểm soát trong 5 năm kể từ thời điểm được cấp giấy phép.

Sự hiện diện ngày càng sâu và mở rộng chóng mặt của những nền tảng như GrabPay tại Đông Nam Á cho thấy, các chính phủ càng chậm trong việc quy định room sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán, thì việc thoái vốn nước ngoài ở những trung gian thanh toán đã vượt rào sẽ càng khó khăn.

Thực tế trên thị trường Việt Nam hiện nay, số trung gian thanh toán được cấp phép có tỷ lệ vốn nước ngoài vượt 50% (cũng tức là nước ngoài nắm quyền kiểm soát) không hề ít. Đơn cử như 1Pay đã bán hơn 90% cổ phần cho Ascend Money (Thái Lan), Nganluong.vn bán 50% cổ phần cho MOL Malaysia, Payoo có hơn 64% cổ phần thuộc sở hữu nước ngoài, hay rùm beng nhất là VNPT E-Pay, đơn vị trung gian thanh toán có liên quan đến đường dây đánh bạc trái phép ngàn tỷ RikVip có tới 63% cổ phần trong tay nhà đầu tư nước ngoài.

Để nhắc lại, một cách chính thức, Grab chỉ công bố đã mua lại hơn 3% cổ phần của Moca, tuy nhiên, với việc có tới 2 thành viên trong Hội đồng Quản trị của Moca đến từ Grab ngay sau thương vụ nói trên đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về vai trò thực sự của Grab tại Moca.

Làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm

Trong Công văn số 1354/BTP - PLDSKT, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa khá nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP).

Theo đó, Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm), khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Hữu Tuấn