|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thẻ điểm phát triển bền vững (Sustainability Balanced Scorecard - SBSC) là gì?

11:29 | 17/06/2020
Chia sẻ
Thẻ điểm phát triển bền vững (tiếng Anh: Sustainability Balanced Scorecard - SBSC) là một công cụ quản trị của đơn vị, tổ chức.
Thẻ điểm phát triển bền vững (Sustainability Balanced Scorecard - SBSC) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Linkedin)

Thẻ điểm phát triển bền vững

Khái niệm

Thẻ điểm phát triển bền vững trong tiếng Anh gọi là: Sustainability Balanced Scorecard - SBSC.

Theo Langfied-Smith & ctg. (2018), SBSC là công cụ quản trị mà một đơn vị, tổ chức sử dụng để phản ánh sự phát triển bền vững như là một chiến lược ưu tiên. 

Do đó, phát triển bền vững có thể coi như viễn cảnh thứ năm (bên cạnh bốn viễn cảnh tồn tại trước đó của SBSC gồm: tài chính, khách hàng, qui trình nội bộ, đào tạo và phát triển nhân viên). 

Từ quan điểm này có thể dẫn đến các cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng SBSC, gồm: 

Xây dựng các thang đo (hay tiêu chí) phát triển bền vững bằng cách tích hợp ngay vào chính các viễn cảnh có sẵn, hoặc thêm vào viễn cảnh thứ năm về phát triển bền vững và có mối quan hệ chặt chẽ với bốn viễn cảnh trước đó (Langfied-Smith & ctg., 2018).

Vai trò 

Mô hình thẻ điểm cân bằng (BSC) được ra đời năm 1990 tại Mỹ và được Tạp chí Harvard Business Review đánh giá là một trong 75 ý tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Bain & Co, BSC đứng thứ 5 trong top 10 các công cụ quản lí phổ biến nhất. 

Hiện nay, đã có hơn 80% các công ty trong Fortune 500 trên thế giới áp dụng thành công BSC, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các lĩnh vực, từ cơ quan quản lí nhà nước đến cả các tổ chức phi lợi nhuận. 

Một nghiên cứu của Kureshi (2014) về việc các công ty sử dụng BSC như một công cụ quản lí đã cho thấy tỷ lệ sử dụng BSC trên thế giới khoảng 81%, trong đó phổ biến nhất là tại châu Mỹ (trên 95%) và thấp nhất ở khu vực châu Á khoảng 65%. 

Hiện nay, mô hình kinh doanh đang dần chuyển đổi tập trung vào giá trị cho các bên có quyền lợi liên quan (stakeholders), thay vì chỉ tập trung vào giá trị cho cổ đông như trước đây. 

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường tìm cách tối đa hóa giá trị cho cổ đông hay chủ sở hữu (tức tối đa hóa lợi nhuận) và bỏ qua các bên có quyền lợi liên quan khác thì giờ đây, các bên có quyền lợi liên quan đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn đến hoạt động và danh tiếng của doanh nghiệp.

Do đó, các thông tin phi tài chính và các giá trị vô hình, bao gồm (không hạn chế) những yếu tố thể hiện tính bền vững của doanh nghiệp như: 

Trách nhiệm với cộng đồng, hiệu quả bảo vệ môi trường, tầm nhìn của lãnh đạo, năng lực quản trị, tính minh bạch trong quản lí và công bố thông tin... ngày càng được quan tâm khi các nhà đầu tư xác định giá trị một doanh nghiệp, bên cạnh các chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư như ROA (tỉ lệ sinh lời trên tổng tài sản), ROE (tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu) hay những con số trong báo cáo tài chính. 

Việc thêm vào hay sửa đổi các viễn cảnh trong BSC đều nhằm mục đích là phản ánh các chiến lược ưu tiên của một tổ chức.

Thêm vào đó, với xu thế phát triển bền vững hiện nay đã làm nổi bật lên vấn đề là làm sao các tổ chức có thể phản ánh được sự ưu tiên phát triển bền vững như là một chiến lược ưu tiên ở trong BSC? Và Thẻ điểm phát triển bền vững (SBSC) có thể là giải pháp, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình xây dựng thẻ (Langfied-Smith & ctg., 2018).

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp phải đổi mới về hoạt động lẫn cách thức quản lí để tự nâng cao năng lực cạnh tranh là một yêu cầu thiết yếu.

Theo Langfied-Smith & ctg. (2018), việc triển khai mô hình Thẻ điểm phát triển bền vững (Subtainability Balanced Scorecard - SBSC) không những có thể giúp ích cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động dựa trên đo lường các yếu tố tài chính cũng như các yếu tố phi tài chính (như chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhu cầu của khách hàng, lòng trung thành của nhân viên…); 

Mà còn đưa các yếu tố phát triển bền vững từ sứ mạng, mục tiêu chiến lược vào kế hoạch hành động cụ thể để dễ dàng kiểm soát và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

(Tài liệu tham khảo: Xây dựng mô hình thẻ điểm phát triển bền vững - Nghiên cứu thực nghiệm tại Hội sở Ngân hàng TMCP Nam Á, TS. Trần Ngọc Hùng, Lưu Anh Thư, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.