|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài nguyên sở hữu chung (Common Resource) là gì?

17:16 | 17/10/2019
Chia sẻ
Tài nguyên sở hữu chung (tiếng Anh: Common Resource) là nguồn tài nguyên không phải do đơn lẻ cá nhân hay công ty nào kiểm soát.
Traintree-osaamisen-ytimessa

Hình minh họa (Nguồn: mraconsulting)

Tài nguyên sở hữu chung

Khái niệm

Tài nguyên sở hữu chung trong tiếng Anh gọi là: Common Resource.

Tài nguyên sở hữu chung là nguồn tài nguyên không phải do đơn lẻ cá nhân hay công ty nào kiểm soát. Nếu việc sử dụng những tài nguyên này không bị hạn chế sẽ dẫn đến việc chúng bị khai thác quá mức bởi những người đến trước chiếm dụng. 

Nguồn tài nguyên sở hữu chung là một ví dụ cổ điển về việc tính không thể loại trừ của tài nguyên môi trường có thể có tác dụng như thế nào trong việc tạo ra chi phí ngoại ứng.

Khó khăn của việc sử dụng chung đã tạo nên việc mỗi người sử dụng có thể can thiệp vào người khác, làm giảm khả năng phục vụ của nguồn tài nguyên đối với mỗi người sử dụng. 

Chúng ta cần phải lí giải tại sao con người lại có ít động cơ đế xử sự theo cách cả xã hội mong muốn đối với nguồn tài nguyên sở hữu chung. 

Những ví dụ về tài nguyên sở hữu chung bao gồm đáy biển đầy cá của đại dương; những kho dầu hay nguồn nước dưới lòng đất, việc sử dụng không khí và nguồn nước làm chỗ thải các sản phẩm, những cánh rừng nhiệt đới nhiều mưa ở các nước đang phát triển, những con chim di cư, những động vật hoang dã, v.v… 

Ví dụ về tài nguyên môi trường thuộc sở hữu chung

Chúng ta sẽ xem xét một trong những vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên môi trường thuộc sở hữu chung. 

Nghề đánh bắt cá ở Đại dương: 

Cá có lẽ không phải là ý nghĩ đầu tiên về nguồn tài nguyên môi trường nảy sinh khi chúng ta nghĩ đến những vấn đề đáng lưu ý của môi trường. 

Tuy nhiên, cá là một nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh, nhưng chúng cũng có thể bị cạn kiệt và thay đổi môi trường do việc khai thác thiếu kiểm soát hiện nay đang đe doạ nguồn cá của thế giới. 

Hầu như mỗi một cửa sông và mỗi vịnh trên thế giới đều bị đe doạ bởi những ngoại ứng từ hoạt động kinh tế của con người. 

Các con sông mang ô nhiễm ra các cửa sông, sự loang dầu và hoá chất làm ảnh hưởng đến sinh thái, việc dùng nước trên thượng nguồn làm ảnh hưởng tới hạ lưu và đại dương v.v… Nhưng sự đe doạ lớn nhất đối với nguồn cá chính là việc đánh bắt bừa bãi và khai thác tràn lan của hoạt động kinh tế. 

Công nghệ đánh bắt cá hiện đại, đi kèm với nhu cầu ngày càng gia tăng của con người, thêm vào đó việc tự do đánh bắt đã dẫn đến nhiều nguồn cá giảm xuống mức thấp. Một số loài cá có nguy cơ tuyệt chủng. 

Ví dụ: loài cá mũi dài và to ở Vùng Vịnh, cá mũi kiếm, cá ngừ đã giảm một cách đáng kể trong vài thập kỉ trở lại đây. 

Viện Tài nguyên học Thế giới đã thông báo một công trình nghiên cứu vào năm 1993, chỉ ra rằng 30% loài cá hiện nay đang bị giảm (có nghĩa là tỉ lệ đánh bắt cao hơn nhiều so với tỉ lệ tái sinh tự nhiên của những loài này). 

Sở dĩ nguồn cá có vai trò quan trọng với chúng ta bởi những lí do cơ bản: 

- Cá là nguồn cung cấp đạm chủ yếu cho một tỉ lệ lớn dân cư trên thế giới; 

- Cá cũng là một phần quan trọng của nguồn thức ăn trong bản thân hệ sinh thái (ví dụ trong bài Globe và Mail – loài cá Pecca màu da cam bị đe doạ là nguồn thức ăn chính của những loài mực khổng lồ và những loài cá nhà táng). 

Việc đánh bắt cá vì mục đích thương mại là nguồn gốc chủ yếu cung cấp việc làm cũng như thu nhập. Còn việc câu cá có tính chất tiêu khiển, giải trí là nguồn lợi trực tiếp của ngành dịch vụ du lịch và giải trí.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi