Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 5/10 - 9/10: Thị trường phụ thuộc nhiều vào bệnh tình của ông Trump
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao tiến trình đàm phán xoay quanh gói kích thích kinh tế mới của Mỹ. Một đợt kích thích mới có thể hỗ trợ thị trường vốn đang bị xáo trộn bởi các bất ổn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như bởi lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mất dần đà phục hồi.
Bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 6/10 dự kiến sẽ nhắc lại tính cần thiết của một gói kích thích tài khóa bổ sung. Một ngày sau, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách gần nhất.
Investing.com đã tổng hợp các sự kiện lớn nhiều khả năng tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Sức khỏe của ông Trump thổi bùng bất ổn bầu cử
Hôm 3/10, ông Trump cho biết vài ngày tới sẽ là "thử thách thực sự" cho quá trình điều trị COVID-19 của ông.
Trước đó, bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley và một số quan chức khác lại đưa ra nhiều thông điệp trái ngược về sức khỏe của Tổng thống Mỹ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về diễn biến bệnh tình thực sự của ông Trump.
Sau đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y Quốc gia Walter Reed cho biết hiện tại ông Trump đang tiếp nhận thuốc remdesivir trong 5 ngày. Ngoài ra, ông Trump còn tiếp nhận một loại thuốc đang thử nghiệm khác là REGN-COV2 của hãng dược Regeneron.
Chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (3/11), bệnh tình của Tổng thống Trump khiến chiến dịch tranh cử của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn và khiến công chúng lần nữa chú ý vào cách xử lí đại dịch của chính phủ.
Giới quan sát đang đồn đoán về nhiều khả năng khác nhau, ví dụ như liệu ông Trump có thể đảm đương công việc điều hành chính phủ hay ông có dự định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hay không. Các thông tin mới sẽ dần hé mở trong tuần này.
2. Washington tăng tốc đàm phán về gói kích thích mới
Bệnh tình của Tổng thống Trump đã làm gia tăng sự chú ý đến các cuộc đàm phán về gói kích thích tài khóa mới của Washington.
Ngày 2/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho hay các cuộc đàm phán đang tiếp tục. Bà Pelosi còn yêu cầu các hãng hàng không ngừng cắt giảm giảm nhân sự, hàm ý rằng Hạ viện có thể thông qua một dự luật riêng để gửi tiền cứu trợ cho ngành hàng không.
Tuy nhiên, giới quan sát vẫn phải chờ xem bệnh tình của ông Trump có chuyển biến xấu hay báo cáo việc làm tháng 9 có yếu hơn dự kiến hay không để đánh giá liệu điều đó có khiến Quốc hội dễ thông qua gói kích thích tài khóa hơn không khi mà lưỡng đảng Mỹ vẫn còn bất đồng quan điểm dữ dội.
Nếu thị trường lao động chững lại thì đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mất đà khi bước vào quí IV. Trong khi đó, tăng trưởng vào mùa hè năm nay được thúc đẩy một phần nhờ gói kích thích tài khóa trước.
Ông Chris Rupkey - nhà kinh tế trưởng của MUFG, cho biết: "Đại dịch COVID-19 đang nắm quyền điều khiển tốc độ phục hồi. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang chững lại đáng kể, trừ khi Quốc hội và Nhà Trắng có thể giải quyết những khác biệt giữa họ và cung cấp thêm kích thích thì quá trình này mới bị đảo ngược".
3. Bài phát biểu của Chủ tịch Powell
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu trước Hiệp hội các nhà kinh tế quốc gia vào ngày 6/10. Tại đây, ông Powell dự kiến sẽ lặp lại quan điểm rằng chính phủ cần bổ sung kích thích tài khóa để củng cố đà phục hồi kinh tế.
Bên cạnh ông Powell, nhiều quan chức Fed khác cũng sẽ đưa ra bài phát biểu trong tuần này.
Một số tên tuổi đáng chú ý gồm có Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta - Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh New York - John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - Neel Kashkari và Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - Eric Rosengren.
Ngoài ra, Fed cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 7/10. Biên bản này sẽ tiếp tục nhấn mạnh thông điệp cũ: Fed nhiều khả năng không tăng lãi suất trong vài năm tới.
4. Quĩ giải cứu kinh tế khu vực đồng euro
Các bộ trường tài chính khu vực đồng euro sẽ gặp nhau tại Brussel vào ngày 5/10 để thảo luận về cách thức thực hiện quĩ phục hồi kinh tế chung trị giá 750 tỉ euro. Tuy nhiên, bất đồng về cách thức phân phối khoản cứu trợ đang đe dọa làm suy yếu tâm trạng lạc quan của nhà đầu tư thời gian qua.
Đức đề xuất rằng chỉ những quốc gia tôn trọng pháp quyền mới được hưởng khoản tiền cứu trợ trên. Đề nghị của Đức diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) ngày càng báo động về hành vi chống lại pháp quyền tại Ba Lan và Hungary.
Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, các nước có nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch, có thể chịu ảnh hưởng lớn nếu quá trình phân bổ cứu trợ diễn ra chậm trễ.