|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Sốt đất Thạch Thất sẽ kéo dài tối đa 2 tuần'

09:35 | 25/03/2020
Chia sẻ
Giữa đại dịch COVID-19, cơn sốt đất bất ngờ xuất hiện ở khu vực xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) đang khiến không ít người liên tưởng đến những kịch bản cũ từng xảy ra trước đó tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, và nhiều nơi khác tại VN,...

Dấu hiệu cò đất thổi giá 

Khoảng gần một tuần nay, trên địa bàn xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), mỗi ngày có tới hàng trăm người bao gồm cả môi giới và nhà đầu tư kéo về để kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin một Tập đoàn BĐS lớn sắp triển khai dự án khu đô thị tại đây.

Ghi nhận hôm 23/3, khoảng 50 lô đất ở khu giãn dân Quan Giai, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang được rao bán với giá 12 - 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Mức giá này cao gấp 3 lần so với 20 ngày trước.

Theo quan sát, phần lớn các lô đất tái định cư Quan Giai đã bỏ không từ nhiều năm nay, cỏ mục um tùm. Đáng nói, khu đất này không những không giáp mặt đường lớn, không có hạ tầng mà còn nằm lọt thõm giữa một cánh đồng không mông quạnh.

Cẩn trọng với 'bẫy' tăng giá đất ăn theo dự án đang nằm trên giấy - Ảnh 2.

Cỏ mọc um tùm tại khu đất giãn dân Quan Giai được được phân lô từ năm 1997. (Ảnh: Hà Lê)

Được biết, giao dịch thành công ở khu vực này hiện không nhiều. Trong khi đó, cò đất liên tục hét giá, hối thúc khách mua bằng những lời lẽ chắc nịch: "Sắp tới, dự án sẽ nằm ở vị trí kia, mua đất ở đây thì quá đẹp. Không mua nhanh giá sẽ tăng hoặc người khác đặt cọc mất…"

"Cò đất tinh lắm, nhìn ai là khách mới, ai là chủ đất, ai là môi giới biết ngay. Nhiều cò đất còn liên tục diễn kịch khi vờ có điện thoại đưa lên nghe, hét lớn các thuật ngữ chốt giá, tăng giá, lấy sổ đỏ, đặt cọc trăm triệu… ", một môi giới tên Tài chia sẻ.

Khảo sát trên một số trang rao bán bất động sản trong những ngày gần đây cũng cho thấy, thông tin rao bán đất Đồng Trúc ăn theo đại dự án trên đang xuất hiện tràn lan.

Cẩn trọng với 'bẫy' tăng giá đất ăn theo dự án đang nằm trên giấy - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình hôm 24/3.

Tình trạng hỗn loạn ở Thạch Thất những ngày gần đây đang được đánh giá khá giống với kịch bản tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tháng 2 vừa qua, khi mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt người đổ về Quốc lộ 56 chèo kéo mua bán đất với mức giá cao đến gấp 3-4 lần so với tuần trước đó. 

Hiện tượng trên cũng khá tương đồng với Thạch Thất mấy ngày gần đây kể từ khi có thông tin UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chấp thuận để Tập đoàn bất động sản lớn nói trên đến khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư hai dự án qui mô 800 ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức và 2,2 ha tại thị trấn Ngãi Giao.

Tuy nhiên, "bong bóng" tại Bình Ba cũng chỉ tồn tại được khoảng 1 tuần rồi lại nhanh chóng xì hơi do lượng mua bán thực tế không nhiều. Phần lớn các hoạt động vẫn từ các cò đất, một số chưa thoát hàng ra được đành chấp nhận mất cọc.

Hay như tại Bình Thuận, những tháng đầu năm 2019, những thông tin về việc khởi công dự án sân bay Phan Thiết cũng hút các nhóm cò đất từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kéo đến xã Thiện Nghiệp làm giá, thổi giá đất nông nghiệp lên cao ngất ngưỡng từ 20 tỉ đến 40 tỉ đồng/ha, tùy vị trí xa gần.

Lãnh đạo TP Phan Thiết khi ấy cũng khẳng định, việc tăng giá đất tại khu vực này là bất thường. Do đó, ngay sau khi chính quyền địa phương vào cuộc kiểm soát tình trạng làm giá đất tăng ảo ở khu vực dự án sân bay Phan Thiết, phần đông các nhóm cò đất ngoài tỉnh đã rút khỏi địa bàn, cơn sốt đất ảo ngay lập tức cũng lắng xuống.

Cơn sốt đất Thạch Thất sẽ kéo dài bao lâu?

Cẩn trọng với 'bẫy' tăng giá đất ăn theo dự án đang nằm trên giấy - Ảnh 4.

Lợi dụng tin có dự án lớn của Tập đoàn Vingroup, không ít cò đất kéo về khu vực xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) để thổi giá. (Ảnh: Hà Lê)

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, Chuyên gia BĐS Ngô Văn Dũng cho biết, giá đất khu vực xã Đồng Trúc đúng là có sự biến động mạnh trong mấy ngày gần đây. Thậm chí có lô đất trong một ngày tăng giá lên 50%.

"Đây là một hình thức đầu cơ, lướt sóng. Do đó, tôi nghĩ bong bóng sẽ chỉ kéo dài đến hết tuần này. Bởi vì những cơn sốt đất kiểu này sẽ chỉ kéo dài tối đa 2 tuần, trong khi đó, cơn sốt ở Thạch Thất cũng đã diễn ra được khoảng 5 ngày", ông Dũng nhận định.

Nguyên nhân là do khu vực này không có sản phẩm chính qui, chủ yếu là do các nhà đầu tư cá mập tạo sóng. Thêm vào đó, chính quyền địa phương chắc chắn sẽ can thiệp và không để tình trạng thổi giá này kéo dài.

"Khi các cá mập rút thì giá đất sẽ thiết lập một mức mới và đất sẽ hết nóng sốt. Trước đây cũng đã có nhiều bài học từ các cơn sốt đất", vị này nhấn mạnh.

Cũng theo nhận định của ông Dũng, sóng ở Thạch Thất đợt này khá giống với sóng ở Bình Ba khoảng một tháng trước. Vì đây đều là những dự án còn đang đề xuất, nghiên cứu, điều này nguy hiểm ở chỗ dự án có thể dính vào qui hoạch hoặc bị điều chỉnh bởi qui hoạch trong tương lai.

"Các nhà đầu tư không nên chạy theo những sản phẩm bất động sản không chính qui. Khi hết sóng, những người sau cùng sẽ bị sa lầy và không thể bước ra được", vị chuyên gia này cảnh báo.

Tuy nhiên, theo vị này, xét về yếu tố dài hạn, nếu đầu tư đất xen kẹt trong làng xóm khi đã có qui hoạch rõ ràng và có tài chính thì sẽ ít rủi ro hơn. Đặc biệt, không nên vay mượn tiền để lướt sóng khi qui hoạch không rõ ràng bởi giá đất lúc này chưa có sự ổn định.

"Thật ra, trước khi có sóng, các nhà đầu tư cá mập đã nhanh tay gom đất rồi. Sau đó, họ sẽ tự đẩy sóng lên theo những thông tin về qui hoạch, dự án,… Họ sẽ là những người hưởng lợi trực tiếp từ những nhà đầu tư không chuyên ở các địa phương. Tình trạng này hoàn toàn dễ thấy ở một số địa phương thời gian vừa qua, sóng xuất hiện dồn dập rồi sau đó nhanh chóng bị dập tắt", ông Dũng nói.

Hà Lê