|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Châu Đức cảnh báo dấu hiệu sốt đất ảo tại xã Bình Ba do đầu cơ thổi giá

10:23 | 12/02/2020
Chia sẻ
4 ngày gần đây, tại khu vực Quốc lộ 56, trên địa phận xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát sinh giao dịch với giá cao gấp 3-4 lần so với tuần trước đó.

Theo ghi nhận của Đài phát thanh và Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu vào chiều ngày 11/2, tình trạng tập trung đông người và xe tại khu vực Quốc lộ 56 đã diễn ra cách đây 4 ngày, chủ yếu là các phương tiện mang biển số từ các tỉnh thành lân cận như TP HCM, Đồng Nai, thậm chí một số tỉnh, thành từ phía Bắc.

Theo người dân địa phương, cao điểm có ngày tập trung đến hàng nghìn người. Cảnh sát giao thông địa phương đã phải đứng giải tỏa, cắm biển cấm đỗ xe trên quốc lộ 56 tại khu vực này.

"Người ta đi mua đất, chuyên gia đi hỏi đất có ai bán không là mua hết. Không biết ở đâu đổ về mà nghẹt người, đông xe hơi, xe con, nhìn mà khủng hoảng luôn", một người dân tại địa phương cho biết.

Cùng với lượng người đổ về giao dịch đất, giá đất tại khu vực này cũng cao gấp 3-4 lần so với tuần trước đó. Thông tin từ người dân tại địa phương, "ví dụ một mét ngang mặt tiền Quốc lộ 56 trước đây 250 triệu đồng thì giờ dao động 400-450 triệu đồng".

Châu Đức cảnh báo nguy cơ sốt đất tại xã Bình Ba do giới đầu cơ đẩy giá - Ảnh 1.

Người dân đổ về khu vực Quốc lộ 56, trên địa phận xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nguồn: Đài phát thanh và Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cảnh báo dấu hiệu "thổi giá" của các nhóm đầu cơ

Dù lượng người đổ xô về mua đất và giao dịch sang tay với các mức giá tăng mạnh theo từng giờ. Thế nhưng, khi Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu tìm hiểu về lượng hồ sơ giao dịch tại chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai huyện Châu Đức và tại các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện thì lại nhận được phản hồi ngược lại: Giao dịch vẫn bình thường, thậm chí giảm so với thời điểm thị trường nóng sốt vào cùng thời điểm năm 2018.

Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về kịch bản giới đầu cơ đang thực hiện đẩy giá, kích thích lòng tham của người dân để tranh thủ ra hàng. "Có thể những "tay to" đã gom hàng cách đây một tháng và chờ thời điểm giá sốt để bán ra, dồn hết rủi ro những nhà đầu tư đến sau", một nhà kinh doanh bất động sản kì cựu tại TP HCM phân tích. 

Những diễn biến trái chiều trên xuất hiện khi những ngày gần đây lan truyền thông tin UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chấp thuận để một Tập đoàn bất động sản lớn trong nước khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư hai dự án qui mô 800 ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức và 2,2 ha tại thị trấn Ngãi Giao.

Các nhà đầu tư kì vọng sự xuất hiện của tập đoàn lớn tại đây sẽ đẩy giá đất lên cao. Tuy nhiên, nhiều phân tích thận trọng cũng lưu ý nhà đầu tư, đặc biệt là những người dân địa phương cần tỉnh táo, cẩn thận việc cò đất lợi dụng thông tin dự án để thổi giá đất.

Đại diện UBND huyện Châu Đức cũng cho biết, hiện dự án mới dừng ở việc chấp thuận khảo sát. Do đó, UBND huyện Châu Đức cảnh báo người dân cần cẩn thận việc cò đất lợi dụng thông tin dự án để thổi giá đất.

"Pháp lí dự án chưa được Chính phủ chấp thuận đầu tư. Chúng tôi muốn khẳng định bà con bình tĩnh xem xét các nội dung dự án. Dự án còn rất dài các thủ tục. Những văn bản không chính thống, xuất hiện trên mạng thì bà con lưu ý trong quá trình xem xét đầu tư, chuyển nhượng đất đai hoặc có sự lường trước rủi ro cho chính mình", ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Đức cho biết.

Châu Đức cảnh báo nguy cơ sốt đất tại xã Bình Ba do giới đầu cơ đẩy giá - Ảnh 2.

Ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Đức. Nguồn: Đài phát thanh và Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bổn cũ soạn lại?

Thực trạng tại quốc lộ 56 hiện nay có nhiều nét rất tương đồng như tình trạng hỗn loạn tại Bình Thuận vào một năm trước khi có thông tin về dự án sân bay Phan Thiết.

Trong một chuyến đi thực tế của mình, ông Phạm Lâm, CEO của DKRA chia sẻ, khoảng cuối tháng 3/2019, dọc con đường dự kiến xây dựng sân bay Phan Thiết có rất nhiều xe hơi, đặc biệt là biển số TP HCM, dẫn đến tình trạng "kẹt xe hơi".

Theo ông Lâm, một thị trường đúng ra đã có cơ hội phát triển như Bình Thuận (gồm cả Phan Thiết và Mũi Né) nhờ có thị trường du lịch nhưng đã hỗn loạn vào thời điểm đó. Lực lượng môi giới tập trung rất nhiều, nhiều nhà đầu cơ chớp lấy thời cơ dẫn đến chuyện hỗn loạn.

Theo ông Lâm, những khu vực sốt đất thường là những khu vực có quĩ đất lớn, có khu đô thị kéo theo. Hiệu ứng từ những tập đoàn lớn được xem là cú huých cho giá đất tại khu vực mà những tập đoàn này làm dự án. Khi thông tin được công bố, ngay lập tức thu hút nhà đầu tư tập trung về khu vực đó.

"Trước giờ khu vực đó không có tương tác gì, nhưng nếu có một tập đoàn đầu tư, họ nghĩ bất động sản xung quanh khu vực đó (trong bán kính 2 - 3 km) sẽ được thừa hưởng tiện ích, tức sẽ tăng giá lên", ông Lâm lập luận.

Hệ lụy xảy ra, "nếu giá đất tăng quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng tê liệt khi thị trường giảm. Cũng như một miếng đất tại Phan Thiết khi thông tin về dự án sân bay được công bố có giá vài trăm triệu trên 1.000 m2 thì sau khi lên một đợt sóng không ai quan tâm nữa".

Nguyên Ngọc