|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển theo 4 vùng chức năng

16:56 | 17/12/2023
Chia sẻ
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng tổ chức 4 vùng chức năng là công nghiệp - cảng biển, du lịch - đô thị, nông nghiệp và cân bằng sinh thái, biển - hải đảo.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt ngày 16/12. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 1.982 km2, với hai thành phố, một thị xã và 5 huyện.

Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng, gồm 3 trên đất liền và một vùng biển, hải đảo. Cụ thể, vùng công nghiệp - cảng biển gồm toàn bộ thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, một phần các huyện Châu Đức và TP Vũng Tàu.

Dọc hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải hình thành nhiều khu công nghiệp thu hút các dự án vốn đầu tư lớn. (Ảnh: Trường Hà).

 Vùng du lịch và đô thị biển nằm dọc quốc lộ 55 và phía đông nam quốc lộ 51 đến khu vực ven biển dọc tỉnh lộ ĐT994 thuộc TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Vùng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở phía bắc và đông bắc của tỉnh, thuộc các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức; vùng chức năng biển và hải đảo, trong đó phát triển Côn Đảo thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Quy hoạch cũng định hướng địa phương phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và quốc lộ 51. Tại đây sẽ hình thành khu thương mại tự do cùng với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ với chức năng chính là cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, công viên công nghiệp cùng trung tâm logistics lớn. Đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia tại khu vực Long Sơn, TP Vũng Tàu và Cái Mép, thị xã Phú Mỹ.

Dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM sẽ hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.

Một góc biển Vũng Tàu từ trên cao. (Ảnh: Trường Hà).

Du lịch ven biển dọc tỉnh lộ ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ là một trục kinh tế với hệ thống đô thị du lịch ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu; hình thành các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng; phát triển chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí chất lượng cao.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển toàn diện Bà Rịa - Vũng Tàu thành một trong những khu vực động lực quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia, duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách cao nhất nước. Đến năm 2030, địa phương cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương. GRDP (không tính dầu khí) tăng trưởng bình quân 8,1-8,6% một năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và cũng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.

Bà Rịa – Vũng Tàu có dân số hơn 1,1 triệu người (năm 2021). Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Năm 2023, GRDP của địa phương (trừ dầu khí) đạt 5,75%.

 

Trường Hà