Cuối năm ngoái sốt đất hầm hập, năm nay diễn biến thế nào?
Cuối năm 2021, việc một doanh nghiệp bạo tay trả 2,45 tỷ đồng cho 1 m2 đất tại Thủ Thiêm được xem là sự kiện "vô tiền khoáng hậu". Sự kiện này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, góp phần làm nóng thị trường bất động sản. Thời điểm này, cơn sốt đất cũng “nhen nhóm” xuất hiện tại một số nơi.
Những tháng đầu năm 2022, dòng tiền của các nhà đầu tư liên tục đổ dồn vào bất động sản khiến giá đất tại nhiều khu vực tăng phi mã.
Tuy nhiên, khoảng thời gian sôi động không kéo dài và thị trường lại rơi vào trạng thái trầm lắng cho đến nay, do ảnh hưởng bởi việc kiểm soát tín dụng và phát hành trái phiếu. Lượng quan tâm và giao dịch mua bán đất nền trên các chợ địa ốc trực tuyến ghi nhận sụt giảm mạnh trong quý II và chưa có sự cải thiện rõ rệt trong quý III.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9, riêng lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm mạnh 50% so với thời điểm tháng 3.
Trong quý III, mức độ quan tâm đến loại hình đất nền bán tại Hà Nội cũng sụt giảm 18% so với quý trước và ghi nhận giảm tại hầu hết các huyện vùng ven. Cụ thể, Quốc Oai giảm 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%, Hoài Đức giảm 17% và Đông Anh giảm 8%. Giá rao bán chững lại và có hiện tượng giảm ở nhiều khu vực.
“Đất nền tại Hà Nội là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường bất động sản giảm thanh khoản. Trong bối cảnh hiện nay, những nhà đầu tư đang gặp áp lực về tài chính sẽ phải giảm giá, cắt lỗ để bán được hàng”, ông Lê Đình Hảo, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn nói.
Ngược lại, thị trường TP HCM đã có phần diễn biến tích cực hơn khi mức độ quan tâm đến đất nền tăng hầu hết tại các khu vực. Đơn cử, Hóc Môn và Nhà Bè tăng 11%, Bình Chánh tăng 10%, Thủ Đức tăng 9%, Quận 12 tăng 6% và Quận 9 tăng 2%. Riêng Củ Chi ghi nhận giảm mạnh 43%. Mức giá rao bán cũng ghi nhận tăng nhẹ tại tất cả các huyện vùng ven.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường đất nền một số tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai và Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát tín dụng và hoạt động phân lô, bán nền trong quý III, khiến cho mức độ tìm kiếm sụt giảm mạnh. Và khi các thị trường vệ tinh TP HCM sụt giảm, nhà đầu tư có thói quen quay về các khu vực thành phố có thể đáp ứng nhu cầu ở thực hay có tiềm năng trong tương lai.
Còn theo thống kê mới đây của DKRA Vietnam, phân khúc đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận trong quý III chỉ ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65% so với quý II.
Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 78% so với quý trước. TP HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung, trong khi nguồn cung tập trung chủ yếu ở Bình Dương.
DKRA cho biết, sức cầu trên thị trường đất nền tiếp tục có xu hướng giảm, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 52% và đây là mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Mặt bằng giá thứ cấp có mức tăng phổ biến 2-4% so với đầu quý II/2022.
Đơn vị này dự báo, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 1.500 - 2.000 nền, tập trung chủ yếu ở các thị trường vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Về diễn biến thị trường đất nền thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn dự báo, trong quý cuối năm, để các khu vực vùng ven xung quanh TP HCM xảy ra sốt đất là tương đối khó. Bởi đất nền được xem là thị trường đầu cơ trong giai đoạn vừa qua và đây cũng là phân khúc bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Tuy nhiên, xét đến thời điểm xa hơn một chút như năm 2023-2024, thị trường còn rất nhiều động lực để tăng trưởng và cơn sốt có thể xảy ra.
“Theo thống kê của chúng tôi, trong một năm, thường vào thời điểm tháng 3 và tháng 9 sẽ có một sự tăng trưởng rất mạnh ở phân khúc đất nền nhưng trong tháng 9 vừa qua không có một đợt sốt tương tự như các năm trước. Thị trường đang đi ngang và chúng tôi kỳ vọng đến quý I và quý III năm sau, nhà đầu tư sẽ quay trở lại phân khúc đất nền”, chuyên gia nói.