|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sơ đồ hóa lộ trình (Road-mapping) là gì? Phân loại và ưu điểm

17:44 | 09/12/2019
Chia sẻ
Sơ đồ hóa lộ trình (tiếng Anh: Road-mapping) là một qui trình giúp các chuyên gia dự báo sự phát triển trong tương lai đối với công nghệ và thị trường, giúp nhận diện hệ quả của những phát triển đó đối với các công ty.
Sơ đồ hóa lộ trình (Road-mapping) là gì? Phân loại và ưu điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: intheblack.com)

Sơ đồ hóa lộ trình

Khái niệm

Sơ đồ hóa lộ trình trong tiếng Anh là Road-mapping.

Sơ đồ hóa lộ trình là một qui trình giúp các chuyên gia dự báo sự phát triển trong tương lai đối với công nghệ và thị trường, giúp nhận diện hệ quả của những phát triển đó đối với các công ty.

Mô hình sơ đồ hóa lộ trình cung cấp một bản mô tả qui trình phát triển có thể được cơ cấu như thế nào. Sơ đồ hóa lộ trình liên quan tới việc tạo ra một tầm nhìn chung.

Qui trình sơ đồ hóa lộ trình làm sáng tỏ các mục tiêu tương lai và lộ trình đạt được những mục tiêu đó. Dựa trên phân tích này có thể xác định một công ty đơn lẻ có thể đóng góp vào sự phát triển ra sao và công ty phản ứng như thế nào trước sự phát triển.

Phân loại sơ đồ

Có nhiều sơ đồ lộ trình được tạo ra trong những thập kỉ gần đây. Người ta có thể nhận diện bốn loại sơ đồ với qui mô khác nhau:

- Sơ đồ lộ trình ngành: trong đó sự phát triển kì vọng của toàn bộ một nhánh thuộc ngành được sơ đồ hóa. Qui trình sơ đồ hóa lộ trình đưa ra một phương thức trong đó rủi ro đối với các công ty đơn lẻ được giảm thiểu bởi một số các bên khác nhau, quyết định các ưu tiên đối với sự phát triển công nghệ trong tương lai và mỗi bên cần đóng góp những gì. 

Một sơ đồ lộ trình ngành cũng có thể được sử dụng để đạt được nguồn tài chính (đối với cả khối tư nhân và nhà nước).

- Sơ đồ lộ trình công ty: được thiết kế nhằm giúp các công ty đơn lẻ lựa chọn và có thể dựa trên sơ đồ lộ trình ngành. Sơ đồ này mô tả sự kết hợp sản phẩm - thị trường.

- Sơ đồ lộ trình sản phẩm - công nghệ: trong đó phân tích thị trường, đánh giá sản phẩm và rà soát công nghệ kết hợp lại với nhau thành một kế hoạch nghiên cứu, phát triển nội tại và các kịch bản giới thiệu sản phẩm tới thị trường.

- Sơ đồ lộ trình năng lực - nghiên cứu: tập trung vào năng lực và nghiên cứu cần thiết để tạo ra một (hoặc một phần) công nghệ đặc thù. Loại sơ đồ lộ trình này có thể được soạn tách biệt hoặc hợp nhất như một phần trong toàn thể.

Ưu điểm của sơ đồ hóa lộ trình

Sơ đồ hóa lộ trình bao gồm những ưu điểm sau:

- Sơ đồ hóa lộ trình cung cấp cho tổ chức tham gia các thông tin chiến lược có giá trị.

- Hoạch định chiến lược dài hạn sẽ dựa trên việc thu thập các thông tin có cấu trúc chặt chẽ, giúp cho việc ra quyết định tốt hơn đối với các sản phẩm và công nghệ tương lai.

- Các dữ liệu bên trong và bên ngoài sẽ được sơ đồ hóa, đem lại một tầm nhìn có cấu trúc chặt chẽ về các yếu tố thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, phát triển công nghệ, yếu tố môi trường và thay đổi nhà cung cấp.

- Đồng hướng chi phí nghiên cứu, phát triển với phát triển sản phẩm tốt sẽ đem lại hiệu quả bởi xác định được cơ hội tích hợp công nghệ mới vào sản phẩm mới.

- Sơ đồ lộ trình có thể là nguồn của các lựa chọn sử dụng lại công nghệ (cùng một công nghệ vào các sản phẩm mới).

- Kết quả có thể làm bộc lộ các điểm yếu chiến lược dài hạn và xác định kẽ hở và sự bất định của sản phẩm và công nghệ.

- Sơ đồ lộ trình là một công cụ mạnh mẽ trong việc đồng hướng toàn bộ doanh nghiệp theo một chiến lược phát triển mới và phát triển sản phẩm mới. Các nhóm dự án có thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi chiến lược.

- Tiềm năng hiệp lực được xác định giữa các nhà cung cấp và người mua cũng như giữa các đối thủ cạnh tranh.

Sơ đồ hóa lộ trình là một phương pháp giúp cho việc xây dựng một tầm nhìn chung tới tương lai, phát triển một tầm nhìn chung cũng được coi là quan trọng không kém so với lộ trình cuối cùng. 

Vì vậy, sơ đồ hóa lộ trình có thể không thành công đối với những công ty có tầm nhìn khác với cách nhìn chung đang thống lĩnh (ở các công ty có liên quan).

(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng