Shark Tank Việt Nam chứng kiến thương vụ 'khủng' nhất sau khi shark Dũng rời ghế để gọi vốn giúp startup
Ngay trong tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3, khán giả chứng kiến tới 4 kỉ lục: Thứ nhất, đây là lần đầu tiên một nhà đầu tư đứng cạnh nhà khởi nghiệp để gọi vốn, thỏa thuận và chốt thương vụ.
Khán giả lần đầu tiên chứng kiến 3 nhà đầu tư đều rót vốn mà không chia phần. Số tiền mà họ đầu tư đạt mức 6 triệu USD, cao gấp 10 lần số vốn mà nhà khởi nghiệp muốn gọi và trở thành số vốn cao nhất trong lịch sử Shark Tank Việt Nam.
Nhận 168 tỉ USD nhưng chưa có lãi
Luxstay, công ty cung cấp nền tảng kết nối đặt phòng tại nhà riêng, nhận 6 triệu USD, trở thành startup được các nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam định giá cao nhất từ trước tới nay.
Nguyễn Văn Dũng, người sáng lập kiêm giám đốc công ty Luxstay, thuyết trình trước các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank hôm 24/7. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Khi giới thiệu công ty trước các nhà đầu tư, Nguyễn Văn Dũng - nhà sáng lập kiêm giám đốc Luxstay - nói rằng Luxstay đã tổ chức 3 vòng gọi vốn và tổng số tiền mà công ty huy động là 168 tỉ đồng, và số tiền mà công ty "đốt" trong năm ngoái là khoảng 25 tỉ đồng.
Ở Việt Nam, Dũng dự kiến công ty sẽ hòa vốn vào năm 2022 và bắt đầu có lãi vào năm 2023. Hiện tại khoảng 90% khách hàng của Luxstay là người Việt. Các nhà đầu tư nước ngoài định giá công ty là 17,5 triệu USD.
"Mục tiêu của chúng tôi trong vòng gọi vốn lần thứ tư là 10 triệu USD. Trong chương trình hôm nay, tôi muốn gọi 600.000 USD cho 1% cổ phần công ty và tỉ lệ phát hành cổ phần tối đa là 20%", Dũng phát biểu.
Dũng tiết lộ rằng anh chỉ nắm khoảng 14% cổ phần của Luxstay và một trong những thành viên của hội đồng quản trị là "cá mập" Nguyễn Mạnh Dũng. Ngay lập tức, nhà đầu tư Phạm Thanh Hưng đề nghị ông Dũng sang bên kia "chiến tuyến" để bảo đảm tính khách quan.
Ban đầu ông Dũng từ chối với lí do giám đốc của Luxstay là linh hồn của công ty nên các nhà đầu tư chỉ cần hỏi anh. Ông Nguyễn Ngọc Thủy đồng ý với quan điểm của ông Dũng.
Gọi thêm vốn để chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng
Mặc dù vậy, khi các nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi hóc búa về cách định giá doanh nghiệp, chiến lược cạnh tranh, ông Nguyễn Mạnh Dũng quyết định rời ghế để hỗ trợ giám đốc Luxstay.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng đứng cạnh CEO của Luxstay để thuyết trình về chiến lược của công ty trong chương trình Shark Tank Việt Nam hôm 24/7. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Khi đứng cạnh vị giám đốc trẻ, ông Dũng nói rằng chiến lược kinh doanh của Luxstay là đặt trọng tâm vào thị trường Việt Nam trước khi mở rộng ra khu vực. Ban đầu Luxstay sẽ tập trung vào các đô thị lớn, nơi nguồn cung dồi dào, trước khi vươn tới những thành phố nhỏ hơn.
Cũng theo ông Dũng, quán triệt phương châm "đối thủ của đối thủ là bạn" nên công ty đã và sẽ kí hợp đồng đối tác chiến lược với một số đối thủ của Airbnb ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia.
"Hôm nay bạn Nguyễn Văn Dũng đến đây gọi vốn 600.000 USD không phải vì công ty hết tiền, mà vì chúng tôi muốn đi nhanh hơn. Tốc độ và sự tiên phong là hai yếu tố giúp các startup chiếm lĩnh thị trường", ông Dũng lập luận.
Để tạo ra lợi thế mà các đối thủ không thể có, ông Dũng nói Luxstay đang xây dựng các giải pháp dành cho chủ nhà để hiểu họ hơn và tăng mức độ gắn bó giữa họ với công ty.
Trong lúc "shark" Thủy chưa thỏa mãn với những câu trả lời của "song Dũng", ông Phạm Thanh Hưng đột ngột đề nghị đầu tư 2 triệu USD để lấy 11,1% cổ phần, kèm theo 3% cổ phần ưu đãi.
"Tôi có thể tạo ra nguồn hàng theo yêu cầu của các bạn. Trong vòng 1,2 năm tới, các bạn cần bao nhiêu phòng, chúng tôi có thể cung cấp. Chúng tôi (tập đoàn bất động sản CEN) cần một đối tác như Luxstay", ông Hưng phát biểu.
Khoản vốn đầu tư cao nhất lịch sử Shark Tank Việt Nam
Nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 5% cổ phần của Luxstay. Ông Nguyễn Ngọc Thủy muốn đầu tư 1 triệu USD để lấy 5% cổ phần (với mức định giá 17,5 triệu USD đối với Luxstay) và hưởng quyền mua cổ phần trị giá 1 triệu USD ở vòng gọi vốn sau với mức chiết khấu 20%.
Sau khi thương lượng, ông Thủy đồng ý dành 500.000 USD cho 2,9% cổ phần hiện tại (định giá 17 triệu USD), 500.000 USD cho 2,27% cổ phần mới (định giá 22 triệu USD), quyền mua cổ phần ở vòng gọi vốn sau với số vốn 1 triệu USD và mức chiết khấu 20%.
Doanh nhân Nguyễn Thanh việt đồng ý chi 1 triệu USD lấy 5% cổ phần, hưởng quyền chi 1 triệu USD để mua cổ phiếu trong vòng gọi vốn sau với mức chiết khấu 20%.
Phó chủ tịch tập đoàn CEN, ông Phạm Thanh Hưng, sẽ chi 1 triệu USD cho 4,8% cổ phần (định giá 20 triệu USD) cùng 2% cổ phần ưu đãi để cung cấp căn hộ theo yêu cầu của Luxstay. Ông Hưng có quyền mua cổ phần mới ở vòng sau với mức chiết khấu 20%.