Shark Phú rót tiền vào startup chưa có doanh thu, thừa nhận thương vụ của mình 'máu một cách có cơ sở'
Trở lại với "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" sau một mùa không tham gia, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse đã có màn "xuống tiền" rất nhanh vào Bi Plas. Đây là một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học với sản phẩm nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy. Shark Phú cũng là nhà đầu tư duy nhất đưa ra offer cho startup này.
Theo chia sẻ của Nguyễn Châu Long, CEO và nhà sáng lập Công ty CP Thiên Kim An (công ty sở hữu thương hiệu Bi Plas), sản phẩm mà Bi Plas mang đến là nhựa sinh học, 100% không chứa nhựa thông thường. Loại nhựa này sau khi phân huỷ sẽ chuyển hoá thành đất, nước và CO2.Sản phẩm của Bi Plas hiện đã đạt được kiểm nghiệm tại Châu Âu và Mỹ.
Nhà sáng lập cho biết đã đầu tư 16 tỷ đồng và mong muốn kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty. Số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để mở rộng sản xuất lên công suất 1.000 tấn/ tháng. Ở mức kêu gọi vốn này, Bi Plas đưa ra mức định giá trước đầu tư là 85,5 tỷ đồng. Dẫu vậy, việc công ty chưa ghi nhận doanh thu hay lợi nhuận là một vấn đề khiến các nhà đầu tư phải e dè.
Theo ông Châu, sản phẩm hạt nhựa của Bi Plas được tạo ra từ tinh bột mỳ, PLA và PBAT. Công nghệ này lại có rào cản lớn nằm việc ở chi phí sản xuất của nó cao hơn gấp 2,5 lần nhựa truyền thống. Tuy nhiên, ông Châu khẳng định nếu áp thuế môi trường, giá bán nhựa sinh học có thể tương đương nhựa truyền thống. Trong tương lai, Bi Plas hướng đến sản xuất nhựa từ vỏ trấu và tre.
Ở thị trường nội địa, ông Châu định hướng sản xuất, cung cấp bao bì. Bi Plas cũng nhắm đến các thị trường quốc tế bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup, nhựa sinh học hiện vẫn còn khó áp dụng trong thực tiễn vì quy trình xử lý nhựa sinh học và nhựa truyền thống cần được thực hiện riêng rẽ. Thừa nhận những lợi ích của nhựa sinh học, song ở thời điểm hiện tại, với những hạn chế về máy móc, nguyên liệu và tính năng, Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, bà Đỗ Liên không đầu tư nhưng hứa sẽ đóng góp một giải pháp. Shark Bình và Shark Việt cũng đưa ra quyết định tương tự. Ông Bình cho rằng đây không phải là thế mạnh của mình (chuyển đổi số), nên không thể xuống tiền.
Chính vì thế, ông Phú là người duy nhất đưa ra lời đề nghị với 4,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần và đưa ra nhiều điểm mạnh để thuyết phục startup bao gồm hệ thống đầu ra, hệ thống sản xuất và quan hệ với các đối tác siêu thị.
Với mức đầu tư đưa ra, Shark Phú định giá trước đầu tư của Bi Plas ở mức 13,5 tỷ, thấp hơn số tiền mà nhà sáng lập đã bỏ vào công ty. Vì thế, Phạm Châu Long tỏ ra không chấp nhận.
Trong những mùa trước, ông Phú vẫn nổi tiếng với việc yêu cầu startup về làm việc cho ông trong một khoảng thời gian nếu như không thành công cùng câu nói "Nếu thất bại, em lấy gì để hoàn lại tiền cho anh?".
Có lẽ vì nắm được điều này, nhà sáng lập đưa ra mức counter-offer kèm với việc thế chấp các căn nhà tài sản cá nhân trong vòng 3 năm. Với tài sản đảm bảo, CEO Long mong muốn được nhận 15 tỷ đồng cho 25% cổ phần công ty, tương đương mức định giá trước đầu tư là 45 tỷ đồng.
Cuối cùng, ông Phú vẫn lựa chọn một phương án chắc chắn khi đầu tư dưới dạng cho vay (trái phiếu chuyển đổi). Số tiền đầu tư là 15 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm trong vòng ba năm. Sau thời gian đó, Chủ tịch Sunhouse có quyền quyết định sẽ chuyển đổi thành 35% cổ phần công ty hoặc lấy lại tiền. Đây cũng là mức mà nhà sáng lập Châu Long đồng ý.
Sau màn chốt deal, ông Phú từng thừa nhận đây là thương vụ "máu, nhưng có cơ sở" của bản thân.
"Mình từng nghĩ sẽ bán nhà để xây dựng nhà máy lớn hơn. Thay vì bây giờ bán chưa được, thì mình nhận đầu tư từ các shark", CEO Châu Long chia sẻ sau khi nhận cam kết đầu tư.