Quốc gia nào sẽ chiến thắng trong cuộc đua hậu COVID-19?
Đó là cường quốc kinh tế lớn ở phương Tây, nơi mà COVID-19 đến muộn nhưng chính phủ thay vì trì hoãn thì đã có những hành động ngay từ ban đầu.
Đó là quốc gia sẵn sàng truy vết nguồn dịch bệnh một cách nhanh chóng đã giới hạn tỉ lệ tử vong thấp nhất trong các cường quốc phương Tây.
Một quốc gia thực hiện phong tỏa ở những khu vực nhất định và trong thời gian ngắn, giúp hạn chế tỉ lệ thất nghiệp chỉ còn 6%.
Quốc gia nào sẽ phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế đang được tái định hình này? Dù thống trị về công nghệ, nhưng Mỹ và Trung Quốc đang có quá nhiều nợ và chính phủ hai nước đang bị chỉ trích vì xử lí đại dịch COVID-19 không đúng cách.
"Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn, khi là một quốc gia xuất khẩu mới nổi và tình hình dịch được chính phủ kiểm soát đúng trong từng đường đi nước bước", New York Times nhận định.
Nền kinh tế của Nga cũng khá hấp dẫn khi Tổng thống Vladimir Putin đã cố gắng thực hiện động thái phòng thủ là giữ cho đất nước này không bị áp lực tài chính từ bên ngoài trong thế giới đang mất cân bằng.
Nhưng có lẽ, người chiến thắng là Đức. Những gì mà Đức đang thể hiện khiến nước này trở thành nền kinh tế có nhiều khả năng phát triển mạnh hơn nữa trong thế giới hậu đại dịch COVID-19.
Những gì mà Đức chiến đấu với đại dịch làm đất nước này nổi bật trên những điểm mạnh vốn có: chính phủ quản lí hiệu quả, nợ thấp, nền công nghiệp mạnh để bảo hộ xuất khẩu không bị ảnh hưởng khi thương mại toàn cầu giảm, đồng thời năng lực các công ty công nghệ trong nước được phát triển trong thế giới đang bị những gã khổng lồ internet của Mỹ và Trung Quốc thống trị.
Trong khi các quốc gia khác đang phải chịu tình trạng sa thải nhân viên, thì hầu hết công nhân Đức vẫn được làm việc và nhận lương nhờ vào chương trình Kurzarbeit – một chương trình có từ lâu thiết kế nhằm giúp các công ty giữ chân nhân viên trong thời gian ngắn khi khủng hoảng tạm thời xảy ra.
Đức có thể mở rộng chương trình Kurzarbeit cũng như các chương trình dịch vụ xã hội khác, nhờ vào sự tiết kiệm của chính phủ nước này. Trong nhiều năm, Thủ tướng Đức bà Merkel đã buộc các thành viên EU phải thắt lưng buộc bụng, họ đã gọi bà là một "bà nội trợ Swabian", một mẫu người Đức tiết kiệm. Bây giờ họ thì không thể chế nhạo điều đó được nữa.
Vì Đức đã vượt qua đại dịch COVID-19 và chi tiêu chính phủ đạt thặng dư nên nước này có thể hỗ trợ nền kinh tế bằng các khoản chi trả trực tiếp cho các hộ gia đình, cắt giảm thuế, các khoản cho vay kinh doanh, cũng như các khoản viện trợ khác chiếm 55% GDP, gấp 4 lần so với Mỹ đã làm.
Đức cũng muốn tài trợ gói giải cứu cho các quốc gia láng giềng, đây là một động thái khôn ngoan cũng như thể hiện sự hào phóng. Hiện các quốc gia có thể mua hàng hóa nhập khẩu từ Đức với giá tốt hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, Đức vẫn không từ bỏ cam kết cân đối nguồn ngân sách. Vì phần lớn khoản chi tiêu chính phủ lấy từ tiết kiệm quốc gia nên dự kiến nợ công sẽ tăng lên, nhưng chỉ ở mức 82% GDP.
New York Times cho rằng gánh nặng nợ công này của Đức ít hơn so với Mỹ hay những quốc gia phát triển khác đang chi tiêu ít hơn cho các gói cứu trợ.
Nhận thức rõ những lỗ hổng kinh tế khi Đức đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu công nghiệp ở thời điểm thương mại toàn cầu chậm lại, quốc gia này đang đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của mình là ngành ô tô.
Chính phủ nước này đang đặt ra các qui định buộc các nhà sản xuất ô tô phải chuyển từ chạy động cơ đốt vẫn mang lại lợi nhuận cao sang xuất khẩu ô tô điện trong tương lai.
Đức cũng nỗ lực rất nhiều, tuy có phần muộn màng để trở thành một cường quốc công nghệ có tính cạnh tranh hơn. Chính phủ nước này đang dành 3% GDP để nghiên cứu và phát triển như Mỹ. Nước này cũng đang vạch ra kế hoạch dài hạn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp như thung lũng Silicon.
Kế hoạch giải cứu nền kinh tế Đức chi tới 56 tỉ USD dành cho các công ty startups có thể số hóa nền công nghiệp truyền thống. Cùng với Pháp, Đức đã công bố chương trình chuyển đổi số, nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới internet châu Âu để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.