|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Hoạt động của các nền kinh tế mới nổi hồi phục chậm hơn các nền kinh tế phát triển

17:41 | 13/08/2020
Chia sẻ
Các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm, giá hàng hóa lao dốc và dòng vốn đầu tư hạn chế.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS) vừa có kết quả so sánh về sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất quí II/2020 giữa các nền kinh tế mới nổi (EMs) và các nền kinh tế phát triển (AEs).

Kết quả cho thấy, sự phục hồi của EMs có dấu hiệu chậm hơn so với AEs do sự phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài và các chính sách hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch. 

Cụ thể, các chỉ số đo lường hoạt động kinh tế của Bloomberg, tổng hợp dữ liệu tần suất cao cho thấy động lực hồi phục của các nước EMs nhìn chung đều yếu. 

VDSC nhận định, các nước EMs đã và đang đối mặt với "cơn bão lớn", cụ thể là gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm, giá hàng hóa lao dốc và dòng vốn đầu tư hạn chế.

VDSC: Hoạt động của các nền kinh tế mới nổi hồi phục chậm hơn các nền kinh tế phát triển - Ảnh 1.

Chỉ số PMI của các nền kinh tế mới nổi. (Nguồn: Bloomberg, VDSC).

Hầu hết các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, trừ Trung Quốc, đều chứng kiến sự phục hồi yếu sau thời kì gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Chỉ số PMI trung bình vẫn còn khá xa so với mức trước đại dịch. 

Tại ASEAN, sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp diễn do các điều kiện hoạt động ngày càng xấu đi. Sụt giảm xảy ra trên diện rộng trải khắp các chỉ số thành phần, đặc biệt là sự sụt giảm sản lượng sản xuất và số đơn đặt hàng mới. 

Đáng chú ý, đơn hàng xuất khẩu giảm rõ rệt mặc dù nhu cầu nội địa cải thiện nhẹ. Ngay cả Việt Nam và Thái Lan, tuy đã kiểm soát được dịch bệnh ban đầu, nhưng hoạt động sản xuất cũng không thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. 

Tại Thái Lan, có nhiều bằng chứng cho thấy môi trường kinh tế không ổn định đã khiến nhu cầu trong nước sụt giảm trầm trọng, kèm theo đó là số lượng đơn hàng xuất khẩu lao dốc nghiêm trọng. 

Nhà sản xuất Ấn Độ cũng không khả quan hơn khi nhu cầu tiêu dùng thu hẹp dẫn đến cắt giảm số lượng nhân viên.

VDSC: Hoạt động của các nền kinh tế mới nổi hồi phục chậm hơn các nền kinh tế phát triển - Ảnh 2.

Chỉ số PMI của các nền kinh tế phát triển. (Nguồn: Bloomberg, VDSC).

Ngược lại, chỉ số PMI của AEs có màu xanh lục khi các nền kinh tế tái mở cửa và nhu cầu tăng lên. 

Tại Canada, khối lượng sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm vào tháng 7 khi khách hàng bắt đầu chi tiêu trong bối cảnh các hạn chế về dịch bệnh được nới lỏng. 

Pháp và Ý dẫn đầu khôi phục tại EU, PMI đã chuyển sang "vùng mở rộng". Diễn biến tại Hoa Kỳ không tốt như các nước phát triển khác do bối cảnh phức tạp xoay quanh 3 yếu tố: đại dịch, chính sách và chính trị. 

Nhìn chung, triển vọng nhu cầu toàn cầu và đơn đặt hàng xuất khẩu mới phụ thuộc vào sự phục hồi của các nền kinh tế phương Tây.

PMI (Purchasing Managers' Index) hay Chỉ số quản lí thu mua, là một chỉ số thường thấy phổ biến về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại và tương lai cho các nhà hoạch định, phân tích và nhà đầu tư của doanh nghiệp.

Hoàng Huy