VDSC: Đáy của thị trường có thể rơi vào đầu tháng 8, nhà đầu tư nên thận trọng giải ngân
Các chỉ số vĩ mô trong tháng 7 không khả quan
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS), các nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn trong giai đoạn hai của dịch bệnh, thị trường không giảm sốc như đợt đầu tiên.
Trong thời gian gần đây, làn sóng bùng dịch thứ hai đã quay trở lại tại Việt Nam với mức độ nghiêm trọng hơn và đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn so với đợt bùng phát trước đó.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến chung của thị trường, VDSC nhận thấy phần lớn các nhà đầu tư đã hành động một cách bình tĩnh hơn, không còn cảnh bán tháo cổ phiếu như thời điểm đầu tháng 3.
Mặt khác, việc dịch tái bùng phát trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô trong tháng 7 không mấy khả quan khiến dòng tiền gia nhập thị trường có phần thận trọng hơn.
Trên cơ sở đó, VDSC vẫn giữ quan điểm đỉnh dịch là đáy của thị trường trong ngắn hạn cho đợt bùng phát dịch hiện nay.
Ở đợt dịch đầu tiên, thời điểm 16-18 ngày sau khi bùng phát, việc khống chế dịch bệnh tại các ổ dịch về cơ bản là hoàn thành tốt, đồng thời thị trường chứng khoán cũng xác nhận vùng đáy tại đây.
Với những động thái quyết liệt của chính phủ nhằm kiểm soát làn sóng thứ hai của dịch bệnh, VDSC cho rằng thời điểm “đáy” của thị trường có thể rơi vào khoảng 4/8 - 6/8 tính từ ngày khởi phát ca đầu tiên (21/7).
Thị trường sẽ không có nhiều động lực để bật mạnh như giai đoạn trước
Theo VDSC, thị trường sẽ không có nhiều động lực để bật mạnh như giai đoạn trước. Các số liệu kinh tế vĩ mô công bố trong tháng 7 không thực sự tích cực.
Bên cạnh đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần hai cũng làm tăng mối quan ngại về triển vọng phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2020. Trong bối cảnh này, tâm lí của nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và chờ đợi những điều rõ ràng.
Trên cơ sở đó, chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong ngắn hạn nhà đầu tư nên tiếp tục để dành sức mua và chỉ giải ngân vào những ngành/công ty có triển vọng rõ ràng.
VDSC cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ có thể xem là cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.