|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 vấn đề ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam tháng 8

16:01 | 05/08/2020
Chia sẻ
Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nêu ra 7 vấn đề quốc tế và trong nước có thể ảnh hướng đến kinh tế vĩ mô tháng 8 của Việt Nam.

Tình hình kinh tế Mỹ

Đánh giá triển vọng kinh tế  vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất tham chiếu ở mức gần 0% và duy trì các chính sách kích thích nền kinh tế như gia hạn các chương trình cho vay trong đại dịch đến cuối năm, trong đó có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Gia hạn chương trình đổi USD Mỹ tạm thời và hợp đồng repo cho các ngân hàng trung ương và giới chức tiền tệ nước ngoài cho đến tháng 3 năm sau. Việc này sẽ đảm bảo nguồn cung USD trên toàn cầu, giúp bình ổn tình hình thương mại trên thế giới. 

FED kéo dài thời hạn các chương trình kích thích vì triển vọng hồi phục kinh tế Mỹ đang trở nên mờ nhạt trước ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát đại dịch như phong tỏa kinh tế, giãn cách xã hội...

7 vấn đề ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam tháng 8 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Vovworld).

GDP Mỹ quí II/2020 giảm 9,49% so với quí I/2020 và giảm 9,54% so với quí II/2019. Đây là cú sụt giảm giai đoạn 12 tháng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu hàng quí được thu thập từ năm 1947. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh. Tỉ lệ thất nghiệp đạt mức 11,6% trên toàn quốc vào tuần 18/7.

CPI tăng từ 0,1% YoY của tháng 5 lên mức 0,6% YoY trong tháng 6/2020. Lạm phát vẫn ở mức khá thấp so với mục tiêu của FED. Đà tăng của CPI tháng 6 chủ yếu đến từ sự hồi phục của giá dầu chứ vẫn chưa phải từ nhu cầu mua bán và đi lại của nền kinh tế. 

Chương trình hỗ trợ thất nghiệp tăng cường sẽ hết hạn vào ngày 31/7 trong khi quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận gia hạn hay thay thế chương trình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu phần tiêu dùng của Mỹ trong quí III nếu gói viện trợ này không mau chóng đạt được bước tiến mới. 

Việc FED duy trì chính sách hỗ trợ kinh tế Mỹ và gia hạn chương trình đổi USD sẽ góp phần hồi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2020. Điều này sẽ giúp ổn định lại tình hình mậu dịch thương mại trên thế giới và làm hạn chế tình trạng suy giảm xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Tình hình kinh tế châu Âu

Trong kì họp vào giữa tháng 7, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định giữ các mức lãi suất chủ chốt như tháng trước cho đến khi thấy được triển vọng lạm phát hợp lí, và duy trì chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP). 

Tương tự như FED, ECB cũng đang duy trì các chính sách hỗ trợ kinh tế khi các số liệu vĩ mô về tình hình kinh tế Liên Minh Châu Âu chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Tốc độ tăng trưởng GDP quí II/2020 của EU giảm -12,1% QoQ. Đây là sự suy giảm lớn nhất kể từ khi Liên Minh Châu Âu thành lập đến nay. Tỉ lệ thất nghiệp của EU đứng ở mức 7,1% trong tháng 6, tăng từ mức 6,5% trong tháng 3.

Lạm phát tăng 1,3% so với mức 1,1% trong tháng 6. Lạm phát trong quí II là điểm sáng tốt nhất khi tăng vượt kì vọng của Liên minh châu Âu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quí II của toàn cầu cũng đã được dự tính trước sẽ đạt kết quả thấp khi đây là thời điểm phong tỏa kinh tế của đại đa số quốc gia cũng như số lượng các ca bệnh bệnh COVID-19 tăng mạnh nhất. 

Tuy nhiên tình trạng của các chỉ số thất nghiệp và lạm phát vào tháng 7 đang cho thấy tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ sẽ ở mức khá thấp khi tình trạng dịch bệnh COVID-19 vẫn đang cản trở quá trình mở cửa trở lại của các nền kinh tế chủ chốt phương Tây.

Chiến tranh thương mại

Mặc dù tình trạng hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn chưa khả quan, hai cuộc chiến thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu và Mỹ - Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy triển vọng kinh tế tiến vào kịch bản khá tiêu cực.

Tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. 

Cam kết của Trung Quốc về việc mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu thực hiện. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn sau đại dịch, thỏa thuận giai đoạn một giữa hai siêu cường quốc này nhiều khả năng sẽ không thực hiện được, nhưng cả hai chính phủ đều tuyên bố họ cam kết sẽ thực hiện nó nhằm ổn định tâm lí các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng về vấn đề địa chính trị Hồng Kông, đóng cửa lãnh sứ quán ở Thành Đô và Houston cùng với việc chính phủ Mỹ tiếp tục gây áp lực lên Huawei đang làm gia tăng khả năng tan vỡ thỏa thuận giữa hai quốc gia. 

Hiện tại, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang hồi phục mạnh hơn Mỹ, Trung Quốc sẽ có vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn và có thể dẫn đến việc tái đàm phán thỏa thuận giai đoạn một giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Về Mỹ - Liên minh châu Âu, Airbus và Ủy ban châu Âu tuyên bố họ sẽ thay đổi các điều khoản hỗ trợ của nhà nước trong nỗ lực thuyết phục Mỹ dỡ bỏ 7,5 tỉ USD thuế quan. Động thái này được đưa ra sau khi Washington đưa ra thông báo sẽ tấn công EU bằng một hình thức thuế quan đặc biệt.

Mỹ cho biết họ sẽ xoay mức thuế hiện tại từ 10-25% đối với các sản phẩm châu Âu sang một bộ mặt hàng khác nhau cứ sau sáu tháng, cụ thể bao gồm xe tải, bia, ô liu và rượu gin, Washington vẫn chưa cho biết liệu họ có chuẩn bị dỡ bỏ thuế quan để đáp trả hành động mới của EU hay không.

Các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang gây ảnh hưởng khá mạnh lên tình trạng hồi phục kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát thành công. 

Ảnh hưởng từ mậu dịch thương mại và sự bất ổn về quan hệ giữa các cường quốc sẽ làm suy giảm nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các nền kinh tế. Nếu tình trạng không được cải thiện, tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ hồi phục theo hình chữ U thay vì hình chữ V.

Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào 1/8 mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển. Theo đó, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 

Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

EVFTA cũng sẽ mang lại một số thách thức khi Việt Nam mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sức ép này được đánh giá là lành mạnh, giúp các doanh nghiệp có cơ hội điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. 

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 này, việc hiệp định này có hiệu lực có thể góp phần hồi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2020. 

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo qui định của Luật Thuế TNDN. 

Cụ thể, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng. Nghị quyết 116/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 3/8/2020 và áp dụng cho kì tính thuế năm 2020.

Qui định mới về chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lí, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, ngoài khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng hạ tầng kĩ thuật (HTKT) các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đáp ứng.

Giảm giá và miễn không thu với 15 loại dịch vụ chứng khoán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 70/2020/TT-BTC Kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC về giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán. Hiệu lực thông tư sẽ kéo dài từ ngày 31/8/2020 đến hết ngày 30/6/2021. Cụ thể: 

Tiếp tục giảm giá (từ 10-50%) có 9 dịch vụ, trong đó giảm 10% đối với 3 dịch vụ: Dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở; Thị trường phái sinh; Dịch vụ lưu kí chứng khoán.

Giảm từ 15-20% đối với 2 dịch vụ dịch vụ quản lí vị thế, quản lí tài sản kí quĩ trên thị trường chứng khoán phái sinh. 

Giảm từ 30-50% đối với 4 dịch vụ: Dịch vụ quản lí niêm yết chứng quyền có bảo đảm; Dịch vụ thực hiện quyền; Dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; Dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh. 

Tiếp tục không thu - miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ: Dịch vụ đăng kí niêm yết; Đăng kí chứng khoán; Dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; Dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu kí chứng khoán Việt Nam; Đăng kí thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; Đăng kí thành viên bù trừ. 

Như Ý