[Infographic] Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng Cục Thống kê (GSO), tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kì năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm.
Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kì năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng 5. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kì các năm 2011-2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.
Hoạt động thương mại, vận tải trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta trong tháng Sáu chỉ đạt 8,8 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kì năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 8,65 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kì năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6, mặc dù vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kì năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.