COVID-19 trỗi dậy giáng đòn đau vào triển vọng hồi phục của kinh tế thế giới
Nền kinh tế mong manh của thế giới đang phải đối mặt với trở ngại mới trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt đe dọa doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đóng cửa và khiến người tiêu dùng lo sợ.
Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận 21/6 là ngày số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỉ lục, chủ yếu ở nước Mỹ. Trong khi Trung Quốc thông báo ổ dịch mới tại Bắc Kinh đã được kiểm soát, một số nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Ấn Độ và Indonesia báo cáo số trường hợp nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh.
Bà Tuuli McCully, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại ngân hàng Scotiabank cho biết: "Cuộc chiến chống COVID-19 còn lâu mới chấm dứt. Làn sóng lây nhiễm thứ hai với qui mô lớn tại các nền kinh tế tiên tiến là rủi ro lớn đối với nền kinh tế thế giới vốn vẫn còn đang chập chững trong bước đầu của giai đoạn phục hồi".
Dữ liệu tần suất cao từ Bloomberg Economics cho thấy tình hình của một số lĩnh vực như giao thông vận tải và nhà hàng đang được cải thiện khi hạn chế đi lại được nới lỏng. Nếu số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng trong lâu dài, xu hướng tích cực trên có thể bị đảo lộn.
Mô hình hồi phục chữ U
Theo kế hoạch, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ công bố các dự báo mới nhất cho kinh tế thế giới trong tuần này. Việc nới lỏng phong tỏa tại Mỹ và một số khu vực ở châu Âu khiến cho vài chuyên gia dự báo kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo hình chữ V. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại khiến viễn cảnh này không có nhiều sức thuyết phục.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Deutsche Bank AG nhận định: "Tình trạng bùng nổ các ca nhiễm COVID-19 mới gây ra rủi ro cuộc hồi phục sẽ diễn ra theo mô hình chữ U thay vì chữ V".
Theo bà Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng tại Citigroup, niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện sẽ là cốt lõi của sự phục hồi kinh tế nếu đầu tư doanh nghiệp và thị trường việc làm hồi phục. Số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt không giúp ích gì cho triển vọng này.
Bà Catherine nói hôm 22/6: "Đây không phải là bức tranh phục hồi tốt đẹp dù nhìn theo bất kì góc độ nào".
Trong những tuần gần đây, hoạt động kinh tế đã bắt đầu hồi phục nhờ vào việc các quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa. Các điểm sáng tại Trung Quốc bao gồm giá nhà mới trong tháng 5 tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 tháng. Nhu cầu tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và đầu tư cũng được cải thiện.
Các dữ liệu xuất khẩu sớm của Hàn Quốc – thường được coi là thước đo của nhu cầu thế giới – cho thấy tình hình đang được cải thiện. Số chuyến hàng vận chuyển hàng ngày giảm 16% trong 20 ngày đầu tháng 6, trong khi đó vào tháng 5 con số này sụt giảm hơn 20%.
Tại Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp có vẻ như đã chạm đáy và doanh số bán lẻ tháng 5 so với tháng trước tăng nhanh kỉ lục, mang lại một số hi vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Tại khi vực đồng euro, các thước đo hoạt động kinh tế đã dần được cải thiện kể từ mức đáy hồi tháng 4. Niềm tin kinh doanh ở Đức đang được phục hồi. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Pháp đang vận hành ở mức dưới 12% so với thông thường, còn trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt phong tỏa, hoạt động kinh tế giảm 29%.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của toàn khu vực đồng euro tăng lên bất chấp sự sụt giảm trong sản xuất và dịch vụ.
Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi hoàn toàn nếu không có vắc xin ngừa COVID-19.
Ông Warwick McKibbin thuộc Viện Brookings và Đại học Quốc gia Australia cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải tiếp tục theo dõi sát sao nhu cầu cần thêm hỗ trợ của nền kinh tế.
Theo Viện Tài chính Quốc tế, kể từ khi khủng hoảng COVID-19 diễn ra, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã phê chuẩn các biện pháp tài khóa với tổng giá trị 11.000 tỉ USD, và hơn 5.000 tỉ USD khác đang trong giai đoạn xem xét.
Ông McKibbin kết luận: "Chúng ta vẫn còn cách xa điểm cuối của đại dịch này".