|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KBSV: PMI tháng 8 sẽ tiếp tục giảm mạnh do dịch COVID-19

14:55 | 04/08/2020
Chia sẻ
Việc dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều địa phương phải thực hiện lệnh cách li xã hội như Đà Nẵng, gây ra những ảnh hưởng không mấy tích cực cho lĩnh vực sản xuất.

Chỉ số PMI và sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ gặp nhiều bất lợi trong tháng 8

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán KB (KBSV), dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nước ta vào cuối tháng 7 sẽ gây ra những ảnh hưởng không tích cực cho lĩnh vực sản xuất. Dự báo PMI trong tháng 8 sẽ tiếp tục giảm mạnh khi động lực chính cho lĩnh vực sản xuất trong 3 tháng qua là hoạt động sản xuất tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực cho ngành điện tử trong thời gian tới là việc Samsung thông báo sẽ sớm dừng sản xuất máy tính và linh kiện tại nhà máy sản xuất máy vi tính và linh kiện cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc và nước ta được đánh giá là sẽ hưởng những lợi ích trực tiếp từ việc này.

Sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng trưởng chậm lại - Ảnh 1.

(Ảnh: IHS Markit, KBSV)

Theo IHS Market, PMI tháng 7 của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, cụ thể từ 51,1 điểm tháng 6 xuống còn 47,6 điểm. Nguyên nhân là cả hai chỉ số quan trọng gồm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm nhẹ so với tháng 6. 

Trong đó, các đơn hàng mới và sản lượng trong hoạt động sản xuất trung gian và đầu tư cơ bản tiếp tục giảm trong khi sản lượng trong hoạt động sản xuất hàng hóa tiêu dùng tăng nhẹ so với tháng trước, khi dịch bệnh ở nước ta bùng phát trở lại trong tuần cuối cùng của tháng 7. 

Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn khi số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh, cụ thể đã giảm 6 tháng liên tiếp trong 7 tháng đầu năm nay.

Sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng trưởng chậm lại - Ảnh 2.

(Ảnh: TCTK, KBSV)

Số liệu từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy sản lượng sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng trưởng ít hơn so với tháng 6, phần lớn do sự sụt giảm rõ rệt của ngành điện tử. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành trong tháng 7 chỉ tăng 1,1% so với cùng kì, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ tăng 2,1% so với cùng kì năm ngoái. 

Trong số các ngành cấp 2, IIP của ngành điện tử trong tháng 7 giảm tới 2% so với cùng kì năm ngoái, từ mức tăng 21,7% trong tháng 6 so với cùng kì năm ngoái. Một số ngành sản xuất chủ lực khác như sản xuất trang phục, sản xuất ô tô đã có sự hồi phục nhẹ trở lại, riêng dược phẩm vẫn duy trì đà tăng mạnh (39,7%).

Như Ngọc