World Bank: Kinh tế Việt Nam phục hồi dù chưa thể quay lại nhịp độ trước
Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của World Bank (WB) nhận định, nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau khi những hạn chế trong nước do cách li chống COVID-19 được gỡ bỏ, đồng thời xuất khẩu đạt kết quả tương đối tốt.
Kinh tế Việt Nam tháng 7 được hồi phục, sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng nhưng vẫn thấp hơn cùng kì 2019. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững nhờ các doanh nghiệp trong nước. FDI giảm khoảng 7%. Lạm phát tăng nhẹ, tăng trưởng tín dụng chững lại. Bội chi ngân sách dự kiến tăng.
Tuy nhiên, đợt bùng phát vào cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng và các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát bệnh dịch của chính quyền có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới.
Chỉ số công nghiệp tăng 2,5% trong tháng 7, nền kinh tế chưa thực sự phục hồi
Trước khi dịch bùng phát lại, kinh tế trong nước vẫn phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,5% (so cùng kì năm trước) trong tháng 7. Tốc độ tăng này thấp hơn một chút so với tháng 5 và tháng 6.
Tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019. Điều đó cho thấy nền kinh tế chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng.
Kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn
Theo WB, thương mại hàng hóa của Việt Nam nhìn chung tiếp tục hồi phục, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài
Trong tháng 7, Việt Nam có khả năng duy trì thặng dư thương mại hàng hóa ở mức 1,6 tỉ USD, góp phần nâng thặng dư trong bảy tháng đầu năm 2020 lên đến 9,4 tỉ USD so với 3,3 tỉ USD cùng kì năm 2019.
Kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn (tăng 10,6%) trong khi doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khu vực nước ngoài giảm khoảng 5% so cùng kì năm trước.
Khi hầu hết các thị trường đều suy giảm thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản lại tăng lên trong tháng 7.
Dòng vốn FDI cũng được giữ vững
Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 7 mạnh hơn so với tháng 5 và tháng 6. Nhưng về tổng thể, tổng cam kết vốn FDI giảm 7% trong 7 tháng đầu năm 2020 (so cùng kì năm trước).
WB nhận định, Việt Nam là quốc gia vượt trước quĩ đạo của dịch COVID-19 mà lại nằm gần Trung Quốc, nhờ vậy có thể tận dụng được quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu và nỗ lực đa dạng hóa rủi ro hiện nay của các công ty đa quốc gia.
Các cân đối của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng
Trong nửa đầu của năm, Chính phủ chỉ thu được 76% so với con số cùng kì năm 2019 do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Thời gian này, Chính phủ cũng đang thực hiện mục tiêu tăng đầu tư công để kích thích khôi phục kinh tế, tổng số giải ngân theo ước tính đạt 45.700 tỉ đồng (tương đương 1,97 tỉ USD) vào tháng 7, tăng 51,8% so với cùng kì năm trước.
Trong bảy tháng đầu năm, tổng giải ngân đầu tư công đạt 203.000 tỉ đồng, tương đương 42,7% kế hoạch năm và tăng đến 27,2% so cùng kì năm 2019.
Sau một vài tháng chững lại trên thị trường vốn trong nước, Kho bạc Nhà nước đã huy động được trên 58.670 tỉ đồng (trên 2,5 tỉ USD), tăng 80% so với tháng 6.
WB khẳng định trong thời gian tới, COVID-19 trỗi dậy với các ca lây nhiễm cộng đồng cùng với các biện pháp hạn chế mới, nhất là ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ tác động đến quá trình khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên tác động tiêu cực đến nền kinh tế phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.