|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank: Đề xuất hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch và chế biến xuất nhập khẩu

10:33 | 12/08/2020
Chia sẻ
Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt, World Bank đề xuất Việt Nam cần bắt tay vào ba hướng hành động với điều kiện không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.

Trong báo cáo của mình về "Trạng thái bình thường mới của Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19" công bố vào tháng 7 vừa qua, World Bank (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng chống chịu trước đại dịch COVID-19.

Sau khi lệnh giãn cách dỡ bỏ trong đợt dịch trước, các ý kiến cho rằng trạng thái bình thường đã được khôi phục nhanh chóng thực sự chưa thật khách quan. Đại dịch đã để lại những vết sẹo khó phai, nhất là với những người dân và doanh nghiệp thiếu chuẩn bị nhất cho cú sốc này. 

World Bank: Đề xuất hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch và chế biến xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Biểu đồ cho thấy sự khác biệt giữa các lĩnh vực trong ngành công nghiệp nửa đầu năm 2020 so với cùng kì năm 2019. Nhìn chung, ngành công nghiệp xe động cơ, vận tải và ngành đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 (Nguồn: World Bank).

Theo kịch bản cơ sở - nghĩa là khi không xuất hiện đợt dịch thứ hai, nền kinh tế thế giới được từng bước cải thiện, WB cho biết GDP sẽ phục hồi lại vào nửa sau của năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 2,8% cho cả năm. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được nâng lên đến 6,8% vào năm 2021.

Với kịch bản xấu hơn, là khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai xuất hiện, tình hình bên ngoài kém thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1,5% vào năm 2020 và 4,5% vào năm 2021.

World Bank: Đề xuất hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch và chế biến xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Dự báo tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở của WB hầu như không còn khả quan nữa. Thay vào đó, với đợt bùng phát dịch lần thứ hai này, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng ở mức 1,5% cho năm nay (Nguồn: World Bank).

Tuy nhiên, WB vẫn đánh giá dù theo kịch bản gì thì Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào năm 2020.

World Bank cho rằng, thách thức chính của Việt Nam là phải tìm ra động lực mới để hỗ trợ phục hồi theo dự kiến trong ngắn hạn và trung hạn. Trong thập kỉ qua, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. 

Hai động lực trên chưa chắc có thể quay lại các mức như trước khủng hoảng khi hiện tại dịch COVID-19 quay lại và còn nhiều bất định tiếp diễn trên thị trường quốc tế.

Chính phủ lúc này cần tìm mọi cách để vừa chống dịch, vừa đảm bảo kích thích kinh tế trong vài tháng tới sao cho không gây hại về bền vững tài khóa và bền vững nợ về lâu dài.

Ba hướng hành động để Việt Nam khôi phục kinh tế

Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt, WB đề xuất Chính phủ Việt Nam cần bắt tay vào ba hướng hành động.

Một là, cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, là hướng hành động quan trọng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia kĩ thuật.

Đồng thời phải theo dõi thận trọng vì mở cửa nền kinh tế đi đôi với đảm bảo an toàn đến hệ thống y tế.

World Bank: Đề xuất hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch và chế biến xuất nhập khẩu - Ảnh 3.

Chỉ số chặt chẽ (đo lường mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp giãn cách xã hội) ở giai đoạn dịch trước đã được hạ xuống, khiến các chuyến bay nội địa tăng vọt, giúp đẩy mạnh ngành du lịch vốn đóng góp 10% vào GDP. Tuy nhiên, với đợt dịch thứ hai này, Chính phủ cần có những biện pháp linh hoạt hơn để đảm bảo vẫn thu hút được vốn FDI và đảm bảo dịch không lan rộng. (Nguồn: World Bank).

Hai là, hướng hành động tập trung vào chính sách tài khóa, đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công. 

Đề xuất của WB với Việt Nam là nhắm tới các dự án hiệu quả và cả các chương trình hạ tầng công cộng được cho là hiệu quả. Điều này sẽ thúc đẩy phục hồi thông qua tác động số nhân đến việc làm và hoạt động kinh tế.

Ba là, Chính phủ cần hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng. 

World Bank: Đề xuất hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch và chế biến xuất nhập khẩu - Ảnh 4.

Ngành công nghiệp xuất khẩu có nguy cơ dễ tổn thương do sức cầu nước ngoài đang yếu đi. Thực chất, ngoại trừ các mặt hàng máy tính và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các mặt hàng đều bị suy giảm trong sáu tháng qua, và xu hướng đi xuống tiếp tục tăng tốc theo thời gian. (Ảnh minh họa: Tạp chí Công Thương).

Tuy nhiên, hướng này cần được thực hiện thận trọng vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau. Nhu cầu đặt ra là phải lựa chọn đối tượng là những doanh nghiệp hoặc ngành bị ảnh hưởng nhất để tránh lãng phí nguồn lực công. 

Ngoài ra, việc Chính phủ trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng COVID-19 cũng không có ý nghĩa nhiều, do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. 

Trong trường hợp đó, WB đề xuất Việt Nam nên hỗ trợ để các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn. Tại Việt Nam, Chính phủ phải nghĩ cách sao cho hỗ trợ các doanh nghiệp tốt nhất, ít nhất là ở hai ngành du lịch và và ngành chế tạo chế biến xuất khẩu.

Giải thích cho các hướng hành động của Chính phủ, trước đó chuyên gia Kinh tế trưởng Jacques Morisset cho rằng một trong 4 xu hướng mới phát sinh sau dịch COVID-19 là vai trò mới của nhà nước, do đó, từng hành động, quyết sách của Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong lần vực dậy nền kinh tế này.

Những ngày qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn, thành phố trực thuộc trung ương diễn ra bình thường nhất có thể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, không để đình trệ công việc, đặc biệt là các hợp đồng xuất khẩu.

Đơn cử kể từ khi đợt dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ vẫn kiên quyết yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Chính phủ cho biết nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm.

Minh Hằng