|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất siêu và lo lắng của World Bank

16:13 | 03/08/2019
Chia sẻ
Dù Việt Nam tiếp tục xuất siêu nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiện cần lưu tâm.

Việt Nam đạt kỷ lục trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất ở Đông Á trong hai năm qua. Dù xuất siêu trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,6 tỉ USD nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rất cần lưu tâm.

Cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam trong nửa chặng đường đầu năm 2019 vẫn nghiêng về xuất siêu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 243,48 tỉ USD. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 122,53 tỉ USD và nhập khẩu đạt 120,94 tỉ USD, tương ứng, Việt Nam đang xuất siêu 1,59 tỉ USD.

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, kết quả không được tốt đẹp như một năm trước đó. Xét về tỉ lệ tăng, cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu tăng trưởng 16%, gấp đôi so với mức tăng 8% của nửa đầu năm 2019. Tính con số tuyệt đối, xuất siêu giai đoạn này của năm 2018 là 3,36 tỉ USD, gần gấp đôi con số đạt được trong năm nay.

Chưa kể, 15 ngày đầu tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,504 tỉ USD và trị giá nhập khẩu đạt 11,183 tỉ USD. Như vậy, cán cân thương mại trong 15 ngày đầu tháng 7 đã nhập siêu gần 700 triệu USD. Con số bất ngờ này cho diễn biến hoạt động xuất nhập khẩu trong năm nay có nhiều biến động khó lường.

Về nhập khẩu, dù mức tăng trưởng trong tổng kim ngạch nhập khẩu có xu hướng giảm dần, từ 10% của nửa đầu năm 2018 xuống còn 8,9% cùng kỳ năm 2019 nhưng không thấy dấu hiệu của việc doanh nghiệp Việt đã chủ động hơn trong các yếu tố đầu vào của sản xuất. 

Trên thực tế, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thời gian này là 51,53 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Chênh lệch này cho thấy có sự chững lại trong nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trước viễn cảnh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, đặc biệt, trong cuộc đụng độ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.

Samsung là một ví dụ điển hình. Xuất khẩu điện thoại của Samsung chậm lại từ quý II/2018 do doanh nghiệp này chủ động giảm sản lượng, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số công nghiệp và chỉ số lao động tại hai cứ điểm công nghiệp của Samsung tại Việt Nam là Bắc Ninh và Thái Nguyên. 

Tính chung cả năm, đại gia của Hàn Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 5%, con số khiêm tốn hơn nhiều so với mức tăng 12% một năm trước đó. Điện thoại là mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/5 tổng xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam, nên xuất khẩu điện thoại giảm tốc nhanh chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Xuất siêu và lo lắng của World Bank - Ảnh 1.

Soi chiếu vào số liệu xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, bức tranh lại càng sáng rõ. Cùng mức tăng 12% so với cùng kỳ của nhập khẩu, xuất khẩu của khối nội trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 38,08 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm 2018.

Tuy nhiên, đầu tháng 6.2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức khẳng định có việc lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam do có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. 

Mặt hàng dăm gỗ hay lời kêu than nhôm Trung Quốc với giá rẻ đã phá giá thị trường “khủng khiếp” của một vị lãnh đạo Hiệp hội Nhôm Việt Nam đang chứng tỏ những kịch bản tương tự.

Mặt khác, xét riêng trong khu vực nội địa, chúng ta đang nhập siêu 13,45 tỉ USD trong nửa chặng đường đầu tiên của kinh tế năm 2019. 

Tính trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 35,7 tỉ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, quốc gia đang không che giấu mục tiêu xuất khẩu công nghệ lạc hậu để bước sang giai đoạn phát triển mới, đang rất nặng nề.

Ngoài ra, chúng ta buộc phải tính tới khả năng, doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Việt Nam để “rửa” xuất xứ, nhằm lách các lệnh cấm vận của Trung Quốc. Trong bất cứ tình huống nào, đối với nền kinh tế Việt Nam, phải cẩn trọng lợi bất cập hại.

Từ góc độ xã hội, phân bố không đồng đều trong kết quả xuất khẩu của các địa phương cũng cần được suy nghĩ. Trong 6 tháng vừa rồi, những cái tên trong câu lạc bộ xuất khẩu tỉ USD không thay đổi: TP.HCM (19,6 tỉ USD), Bắc Ninh (14,46 tỉ USD), Thái Nguyên (13,9 tỉ USD), Hà Nội (7,2 tỉ USD)… 

Mười địa phương xuất khẩu lớn nhất chiếm khoảng 75% tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam. 

Mới đây, World Bank đã không giấu nỗi băn khoăn khi 10 địa phương lớn đã chiếm 75% xuất khẩu của Việt Nam. Mức độ tập trung không đồng đều của các trung tâm chế xuất  giữa các địa phương đặt thách thức cho doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, logistics và cung ứng... không dễ hóa giải.

Sự công bằng về cơ hội phải đến từ chiến lược thu hút FDI dựa trên lợi thế so sánh của các địa phương. Cục nam châm thu hút, đầu tiên và quan trọng nhất, không phải đến từ cảng biển, đường xá, lao động giá rẻ, các chính sách ưu đãi… mà là cơ chế hợp tác win – win giữa địa phương và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Từ phía các địa phương, thảm đỏ chào đón FDI chính là lợi thế của chính họ, chứ không phải thành tích theo tư duy nhiệm kỳ.

Một thực trạng khác là khả năng doanh nghiệp FDI lan tỏa công nghệ, trình độ quản lý, nâng đỡ doanh nghiệp địa phương. 

Trao đổi với NCĐT, ông Vũ Đức Quyết, nguyên Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh thừa nhận, tại địa phương này, kỳ vọng này đã không thành. Theo vị cựu lãnh đạo, sự lan tỏa tới khu vực sản xuất cũng như khu vực dịch vụ và đời sống kinh tế nói chung có được ghi nhận nhưng chậm và không rõ ràng.

Nguyên nhân một phần đến từ khoảng cách tương đối xa giữa các chủ trương chính sách và thực tiễn doanh nghiệp. Đã thế, lại không có những tổ chức trung gian, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách lẽ ra sẽ giúp cho họ lớn mạnh, trưởng thành hơn.

Điểm đáng lưu tâm khác là sự chênh lệch giữa doanh nghiệp nội và một số doanh nghiệp FDI thiện chí chuyển giao công nghệ như Samsung là quá lớn. Ông Quyết thừa nhận, Samsung muốn lôi kéo, giúp đỡ những người bạn bản địa nhưng chúng ta lại không có đủ nội lực để theo kịp.

Tất nhiên, chúng ta vẫn có căn cứ để lạc quan. Nền kinh tế Việt Nam đang chờ đón một cách thức thu hút FDI thế hệ mới và có thể, những vướng mắc này sẽ được các nhà hoạch định chính sách hóa giải.

Linh Nguyễn