|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ tháng 4, thị trường xuất siêu Israel của Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế - giao thương

16:33 | 27/04/2019
Chia sẻ
Israel là một trong những thị trường xuất siêu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu hàng triệu USD. Từ tháng 4, thị trường này sẽ có nhiều thay đổi trong chính kinh tế - giao thương.

Thông tin từ Bộ Công thương chi biết, bắt đầu từ 01/4/2019, giá xăng tại Israel tiếp tục được điều chỉnh tăng lên thêm 0,20 NIS mỗi lít. Đồng NIS tiếp tục tăng giá mạnh so với đồng USD và euro.

Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 4, ba nhà máy sản xuất bơ sữa lớn nhất của Israel, gồm Strauss Group, Tnuva Food Industries và Tara, sẽ bắt đầu tiến hành nhập khẩu mặt hàng bơ sữa do đã xuất hiện dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong những tháng gần đây.

Về việc mở rộng thị trường giao thương, Israel đang tích cực hoàn tất đàm phán theo kế hoạch để ký kết FTA với Trung Quốc trong năm 2019. Hai bên đã tổ chức vòng đàm phán thứ 5 tại Jerusalem vào cuối tháng 1/2019. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel và Israel cũng là đối tác quan trọng ở Trung Đông trong chiến lược "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc 

Vào cuối tháng 01/2019, Israel cũng đã ký FTA với Ucraina sau 7 năm đàm phán. Hiện, Israel cũng đang thúc đẩy tiến độ đàm phán để sớm ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU). 

Nội dung đàm phán hiệp định này gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... 

Từ tháng 4, thị trường xuất siêu Israel của Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế - giao thương - Ảnh 1.

3 tháng đầu năm 2019, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì xuất siêu với trị giá lớn sang Israel.

Về quan hệ trao đổi thương mại với Việt Nam, mặt hàng hạt điều và thủy hải sản các loại (cá ngừ, tôm đông lạnh, mực…) của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được các doanh nghiệp giao dịch đều đặn, ký hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Israel. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm, đặt vấn đề muốn nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng này từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Israel đang quan tâm tới nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động, cà phê, nước giải khát đóng chai và đóng hộp (nước hoa quả, trái cây, nước tăng lực…), bánh kẹo các loại… từ Việt Nam

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Israel cũng đã quan tâm tới các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, khởi nghiệp, khoa học công nghệ, lao động… với các đối tác Việt Nam

Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy, trong tháng 3, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 93,89 triệu USD, tăng 72,2% so với tháng trước đó, và nhập khẩu từ Israel đạt 15,91 triệu USD, tăng 19,4% so với tháng 2/2019.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 240,94 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 198,12 USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018, và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 42,82 triệu USD, giảm 65,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì xuất siêu với trị giá lớn sang Israel.


Như Huỳnh