Ứng phó việc áp thuế mới từ Mỹ: Bình tĩnh, chủ động, khôn khéo thì sẽ vượt qua thử thách

Theo TS. Cấn Văn Lực, những động thái quyết liệt và chính sách của Chính phủ rất phù hợp và kịp thời, được các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực - Ảnh: VGP
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Chính phủ đối với quyết định của Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là chỉ đạo ngay lập tức của Thủ tướng về lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng những động thái quyết liệt và chính sách của Chính phủ rất phù hợp và kịp thời, được các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực. Vấn đề của chúng ta là triển khai thực hiện như thế nào.
Chúng ta đã và đang làm được 4 điểm. Một là, Chính phủ đã chỉ đạo dùng mọi kênh để trao đổi, đàm phán, đối thoại, thuyết phục.
Thứ 2, chúng ta đã chủ động giảm thuế suất cho nhiều hàng hóa, dịch vụ được nhập khẩu từ Mỹ.
Thứ 3, chúng ta cũng đã chủ động nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ, một số hợp đồng... Những hợp đồng này cần sớm được hiện thực hóa và triển khai thực hiện theo đúng cam kết và đúng lộ trình đã đề ra.
Tôi cho rằng việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ là cách làm rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần một bộ phận phản ứng nhanh, liên ngành, liên thông do lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khâu, nhất là khi thời gian đàm phán, trao đổi không còn nhiều.
- Ông nhiều lần nhấn mạnh cần "bình tĩnh ứng phó" trước quyết định áp thuế của Mỹ. Vậy trong bối cảnh này, "bình tĩnh" nên được hiểu là những bước đi gì trong thực tế của Chính phủ và doanh nghiệp?
TS. Cấn Văn Lực: Trước hết, tôi cho rằng cần nắm sát tình hình, diễn biến, đặc biệt là những động thái mới từ phía Chính phủ Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến thuế quan và kể cả các vấn đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, cần quan sát thêm động thái của các nước khác, nhất là những nước lớn, những nước có cán cân thương mại lớn, có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ.
Ngoài ra, Chính phủ và doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Có thể theo hướng là ở một mức độ thuế quan nào đó mà phía Mỹ sẽ áp lên Việt Nam, chẳng hạn như từ 25-30% thay vì 46% để chúng ta có giải pháp và ứng phó.
Trong đó, chúng ta phải hết sức bình tĩnh theo hướng là không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan, bởi vì đây là câu chuyện toàn cầu và đặt ra rủi ro, thách thức đối với toàn cầu chứ không chỉ có riêng Việt Nam. Nước nào bình tĩnh hơn, nước nào chủ động hơn, nước nào khôn khéo hơn thì sẽ vượt qua được cú sốc lớn này một cách thành công, tức là giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực và đồng thời cũng có thể tận dụng một số cơ hội nhất định trong bối cảnh hiện nay.

Để tận dụng được dư địa đàm phán, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì làm rõ để phía Mỹ thấy rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam mang tính tương trợ, bổ trợ lẫn nhau.- Ảnh minh họa
- Các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam vẫn còn dư địa đàm phán. Theo ông, yếu tố nào sẽ có tính thuyết phục nhất với phía Mỹ trong quá trình này?
TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa đàm phán, nhưng thời gian không còn nhiều. Từ ngày 5/4, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế bổ sung 10% cho toàn bộ hàng nhập khẩu và đến ngày 9/4, họ sẽ xem xét mức thuế bổ sung có thể lên tới 50% với khoảng 59 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để tận dụng được dư địa đàm phán, tôi cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số điểm then chốt.
Thứ nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì làm rõ để phía Mỹ thấy rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam mang tính tương trợ, bổ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, phía Mỹ vừa công bố các vướng mắc liên quan đến 14 lĩnh vực trong Báo cáo rào cản thương mại Mỹ hôm 1/4 vừa qua. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm và có những giải pháp rất cụ thể để khắc phục và giải quyết những băn khoăn, khuyến nghị này. Nếu chúng ta giải quyết kịp thời thì cũng sẽ thể hiện chúng ta có thiện chí và hết sức nghiêm túc để tiếp thu và giải quyết các vướng mắc cho phù hợp.
Thứ 3, trong công thức tính toán về mức độ thuế suất của Mỹ thì hiện nay có 2 hàm số rất quan trọng: Hàm số chung cho toàn thế giới là 4 và một hàm số nữa có liên quan đến hệ số co giãn mà Mỹ đang lấy theo mức độ về bảo hộ thương mại của các nước. Việt Nam đang nằm ở trong nhóm có hệ số 0,25 - hệ số tương đối thấp, có nghĩa là chúng ta còn nhiều rào cản thương mại cần phải tháo gỡ.
Tôi cho rằng Việt Nam cần chứng minh cho phía Mỹ là chúng ta đã cởi mở vấn đề thương mại đến đâu, còn đối với những vướng mắc, rào cản thì chúng ta quyết tâm có lộ trình và giải pháp tháo gỡ cụ thể trong thời gian tới, bảo đảm hiệu quả.
Theo đó, chúng ta có thể đề nghị phía Mỹ nâng hệ số này lên, ví dụ nâng từ 0,25 lên 0,5. Lập tức, mức thuế suất có thể giảm đi đáng kể, có thể từ 46% xuống một mức khoảng 30%. Đó cũng là một cách tiếp cận dựa trên số liệu, khoa học, có công thức tính toán cụ thể mà phía Mỹ thường làm theo cách đó.
Chúng ta cũng cần hiện thực hóa những biên bản ghi nhớ, hợp đồng đã ký kết về nhập khẩu thiết bị hàng hóa từ phía Mỹ thực hiện thời gian vừa qua và phải cụ thể thành hợp đồng cũng như có những giao dịch rất cụ thể trong thời gian tới.
Thứ tư, chúng ta cũng cần hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp và địa phương minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, của các chương trình, dự án đầu tư có liên quan để khi làm việc với phía Mỹ, chúng ta có thể chứng minh cho họ thấy là những hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đôi khi xuất phát từ sự đầu tư của Mỹ chứ không phải đơn thuần của nước khác hay của riêng Việt Nam.
- Ông vừa đề cập đến việc minh bạch số liệu và thông tin sản xuất. Theo ông, Việt Nam đã chuẩn bị tốt về mặt dữ liệu và cơ chế chứng minh nguồn gốc chưa?
TS Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ rằng thời gian vừa qua, chúng ta đã có những tiến bộ, có chuẩn bị và có sự minh bạch hóa thông tin hơn nhưng rõ ràng vẫn còn bất cập. Đây là điểm mà chúng ta cần sớm khắc phục thời gian tới để chúng ta đàm phán với phía Mỹ.
Ví dụ, hiện nay chúng ta nhận đầu tư từ Singapore nhưng đôi khi dòng vốn đó lại xuất phát từ doanh nghiệp Mỹ, thì chúng ta phải chứng minh cho họ thấy điều này để chỉ ra được mức độ hợp tác kinh doanh, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không chỉ là con số 12 tỷ USD hiện nay mà có thể cao hơn.
Liên quan đến câu chuyện về thuế, chúng ta cần tiếp tục rà soát để có thể giảm bớt những thuế quan đối với hàng hóa được xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam, cũng là một cách để chúng ta thể hiện thiện chí và cũng là một cách để có mức thuế đối ứng phù hợp đối với phía Mỹ.
Xin trân trọng cám ơn ông!